Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường

(PLO) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức hội nghị toàn quốc về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính từ năm 1986, cả nước có 870 nông, lâm trường quản lý 7,5 triệu hécta đất, bằng 23,2% diện tích tự nhiên của cả nước; trong đó có 457 nông trường quốc doanh quản lý khoảng 1,2 triệu hécta, 413 lâm trường quản lý 6,3 triệu hécta; Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý  92 nông trường, Tổng cục Cao su quản lý 124 nông trường, Bộ Quốc phòng quản lý 12 nông trường; Bộ Lâm nghiệp quản lý 76 lâm trường; các địa phương quản lý 229 nông trường và 337 lâm trường. 
Công tác thanh tra toàn diện việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng đất  từ năm 2012 đến nay cho thấy tình trạng quản lý đất đai còn thiếu chặt chẽ, tranh chấp đất đai, vi phạm pháp luật về đất đai còn khá phổ biến…
Trong năm 2015 và quý I/2016, cả nước sẽ hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt các đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, làm cơ sở để xác định phương án sử dụng đất, triển khai lập thiết kế kỹ thuật - dự toán và thực hiện các dự án xác định, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp. 
Đến hết quý III/2016 phải hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới, phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Đến hết năm 2016 phải hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất; đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp.  
Trong giai đoạn 2016 - 2020 phải hoàn thành việc cắm mốc giới, lập hồ sơ ranh giới đối với các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp không thực hiện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các đơn vị sự nghiệp có tên gọi khác được giao quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp; đồng thời thực hiện việc chuyển đổi hình thức giao đất, thuê đất, xác định giá đất và nghĩa vụ tài chính theo quy định cho từng đối tượng sử dụng đất; hoàn thành việc xử lý đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao cho các địa phương; thực hiện xong việc lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng sử dụng đất.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đề nghị các bộ, ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ… triển khai việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất; thực hiện thủ tục cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. 
Cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai, đảm bảo dành tối thiểu 10% các khoản thu từ tiền sử dụng đất để đầu tư cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong đó cần ưu tiên thực hiện đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. 
Tiếp nhận và có phương án công khai, minh bạch trong sử dụng quỹ đất được các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp và các tổ chức quản lý đất nông, lâm nghiệp chuyển cho địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp; có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình và cá nhân nghèo cư trú tại vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo… 

Đọc thêm