Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch

(PLVN) - Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trực tiếp phục vụ người dân hàng ngày, hàng giờ nên công tác hộ tịch được toàn ngành Tư pháp luôn chú trọng. Nhờ vậy, kết quả đạt được năm vừa qua là hết sức tích cực, tạo đà thuận lợi cho việc triển khai công tác hộ tịch trong năm 2020.
Trong năm 2020, Bộ Tư pháp xác định sẽ tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch
Trong năm 2020, Bộ Tư pháp xác định sẽ tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch

60/63 địa phương sử dụng Hệ thống hộ tịch dùng chung 

Năm 2019, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tập trung thực hiện các quy định của Luật Hộ tịch, Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024. 

Bộ và các địa phương đã tập trung hoàn thiện thể chế cho công tác hộ tịch. Cụ thể là xây dựng Nghị định quy định về việc quản lý, sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến; Thông tư thay thế Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP…

Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc đào tạo, hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung cho 63/63 địa phương. Hiện đã có 60/63 địa phương triển khai sử dụng Hệ thống, trong đó 58/60 địa phương đã tham gia sử dụng đầy đủ các ứng dụng của Hệ thống, thực hiện kết nối để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh (tăng thêm 22 tỉnh, thành so với năm 2018).

Đặc biệt, Bộ đã triển khai kết nối liên thông thành công dữ liệu đăng ký khai sinh với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Các tỉnh, thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng còn tích cực rà soát, chuẩn bị điều kiện và kết nối dịch vụ đăng ký khai sinh với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo số liệu tổng hợp, cả nước đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 2.073.814 trường hợp (giảm 4,87% so với năm 2018), đăng ký khai sinh lại cho 961.124 trường hợp (giảm 32%) và 6.384 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài (tăng 19,2%). 

Ngoài ra, khai tử cho tổng số 581.212 trường hợp (giảm 3,23%); đăng ký kết hôn cho tổng số 744.046 cặp (giảm 5,55%), trong đó có 22.800 trường hợp có yếu tố nước ngoài (tăng 11,4%) và 22.336 trường hợp đăng ký lại.

Liên quan chặt chẽ với công tác hộ tịch là công tác con nuôi cũng được ngành quan tâm giải quyết. Trong năm 2019, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 2.936 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (tăng 98 trường hợp so với cùng kỳ 2018). Lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, với 350 trường hợp đã được giải quyết, so với năm 2018 đã giảm 80 trường hợp. Các hồ sơ con nuôi quốc tế đều được giải quyết đúng quy định pháp luật. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin  

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho biết, lĩnh vực hộ tịch chưa đạt mục tiêu tất cả các tỉnh, thành ứng dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung trước ngày 1/1/2020 (còn 3 địa phương chưa triển khai ứng dụng). 

Sai phạm trong lĩnh vực hộ tịch, đặc biệt là tình trạng thay đổi, cải chính hộ tịch không có cơ sở/thực hiện thay đổi, cải chính hộ tịch trái quy định pháp luật để hợp lý hóa hồ sơ giấy tờ cá nhân còn xảy ra tại một số địa phương. Đồng thời, xuất hiện khó khăn trong việc phối hợp giữa cơ quan Công an và cơ quan Tư pháp cùng cấp tại địa phương trong quá trình thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dẫn đến gia tăng việc đăng ký lại khai sinh/bổ sung/cải chính hộ tịch. 

Trong công tác nuôi con nuôi, vẫn còn tình trạng nuôi con nuôi trong nước không đăng ký theo quy định pháp luật. Việc giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài còn lúng túng, chưa bắt kịp những quy định mới của Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 5/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi. 

Vì vậy, trong năm 2020, Bộ Tư pháp xác định sẽ tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, với trọng tâm là triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch xây dựng, vận hành hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai hiệu quả Nghị định của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến và Thông tư thay thế Thông tư số 15/2015/TT-BTP sau khi được ban hành; tiếp thục thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch.

Đối với công tác nuôi con nuôi, Bộ sẽ tích cực chuẩn bị kế hoạch, điều kiện tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi; tăng cường tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 24/2019/NĐ-CP. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng Đề án của Thủ tướng về việc tăng cường hỗ trợ công tác nuôi con nuôi trong nước.

Đọc thêm