Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát

(PLVN) -Các đại biểu đề nghị thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dư luận xã hội để phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết kịp thời. Cùng với đó cần đổi mới cách thức giám sát phù hợp với từng cấp, từ việc lựa chọn vấn đề giám sát đến theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Sáng nay (25/4), tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất” (Nghị quyết 07) và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (Nghị quyết 23)- Thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản và nhất quán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, ở mỗi thời kỳ, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ cách mạng Đảng ta đã đề ra những chủ trương cụ thể về đại đoàn kết dân tộc. Nghị quyết 07, đặc biệt là Nghị quyết số 23 là những văn kiện quan trọng đã tổng kết thực tiễn và đề ra những quan điểm cơ bản của Đảng ta về đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước.

Nhấn mạnh thời gian qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước thông qua việc triển khai 5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, kết quả đạt được thời gian qua có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 và Nghị quyết số 23 còn những hạn chế nhất định. Việc phát huy vai trò phối hợp, thống nhất hành động với các tổ chức thành viên chưa rõ nét, chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Từ thực tế trên, tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận nhằm đánh giá thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, những khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo PGS.TS Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là làm chủ thông qua tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Trước hết là nhân dân được thực quyền lựa chọn người đại diện của mình có đủ tài, đức đưa vào bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp thông qua việc hiệp thương, giám sát của MTTQ Việt Nam một cách thực chất, không hình thức hoặc làm cho đủ theo quy trình. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật rõ hơn nữa về quyền của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng, giám sát tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp.

Ông Nguyễn Văn Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh đề nghị tăng cường sự tham gia của nhân dân, các tổ chức xã hội trong việc giám sát, phản biện; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phân tích tình hình địa phương để nắm bắt kịp thời các vấn đề phát sinh, từ đó có những đề xuất, giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề mà người dân kiến nghị.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương Nguyễn Đình Tranh đề nghị, MTTQ các cấp cần thực hiện tốt vai trò đại diện cho nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân bằng các hoạt động cụ thể như: thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, dư luận xã hội để phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết kịp thời; đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...

Cùng với đó cần đổi mới cách thức giám sát phù hợp với từng cấp, từ việc lựa chọn vấn đề giám sát, tổ chức đoàn, phối hợp các cơ quan liên quan trong giám sát…, đến theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Đối với hoạt động phản biện xã hội, cần thực hiện có chọn lọc, phù hợp với thực tế khả năng thực hiện ở mỗi cấp./.

Đọc thêm