Tăng cường tiếp công dân, gắn với giữ gìn an ninh, trật tự

(PLVN) - Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu trên khi chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” với Bộ Công an, hôm qua - 7/4.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì phiên họp.

Khiếu nại, tố cáo chủ yếu về hành chính trong lực lượng

Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Quang Phương nhấn mạnh, Bộ Công an là cơ quan thực hiện khối lượng công việc rất lớn trong quy trình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC).

Ngành Công an với chức năng đặc thù trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thực hiện các khâu trong điều tra, tố tụng hình sự, quản lý thi hành án hình sự, với bộ máy bố trí ở cả 3 cấp địa phương. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ thường xuyên có mối liên hệ tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, đảm bảo thực hiện các quyền công dân, quyền con người, trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, Bộ Công an vừa là chủ thể thực hiện luật, vừa là chủ thể bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật tiếp công dân và giải quyết KNTC.

Về kết quả tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết KNTC, Tổ Công tác nhận thấy báo cáo đã khái quát được tình hình chung về KNTC của công dân, những lĩnh vực, nội dung chủ yếu công dân KNTC. Cụ thể, tình hình KNTC thuộc trách nhiệm giải quyết của ngành Công an có xu hướng tăng. KNTC chủ yếu về công tác hành chính trong lực lượng CAND, liên quan đến hoạt động công vụ của cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là KNTC trong lĩnh vực tố tụng hình sự có xu hướng phát sinh nhiều đơn thư, có vụ việc kéo dài, gửi nhiều nơi, vượt cấp.

Tổ công tác cũng đánh giá cao Bộ Công an đã báo cáo tương đối chi tiết, có số liệu cụ thể về tình hình KNTC phức tạp ở 63 tỉnh, thành; khái quát được các vấn đề nóng như tranh chấp đất đai (chiếm gần 70%), ô nhiễm môi trường, đòi hỏi quyền lợi nhà chung cư, chuyển đổi mô hình chợ, phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Báo cáo cũng đã nêu rõ xu hướng, diễn biến thời gian gần đây liên quan đến an ninh, trật tự, đồng thời cũng đề cập tới các nguyên nhân để xảy ra các vụ việc phức tạp. Các nhận định này rất quan trọng để Đoàn giám sát tổng hợp, đánh giá chung về vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự trong công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC.

Tại cuộc làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an đã làm rõ thêm kết quả công tác tiếp công dân của Bộ trưởng, đề cập đến các tiêu chí để xác định các vụ việc khiếu kiện phức tạp về an ninh, trật tự; kết quả, diễn biến, xu hướng của các vụ việc đến nay; phân tích vai trò của lực lượng CAND trong tham gia giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, đảm bảo an ninh, trật tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu kỹ về việc bảo vệ người tố cáo

Về kết quả tiếp công dân, theo báo cáo, Công an các cấp đã tiếp hơn 231.000 lượt công dân với nội dung tiếp rất đa dạng. Một số ý kiến đề nghị Bộ Công an phân tích kỹ hơn chất lượng của công tác tiếp công dân, việc tiếp công dân của công an các cấp, làm rõ thêm việc xử lý, theo dõi xử lý các kiến nghị, phản ánh khi tiếp công dân.

Liên quan đến kết quả tiếp nhận và giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền, một số ý kiến đề nghị tiếp tục phân tích làm rõ, nhất là về việc giải quyết KNTC trong lĩnh vực tố tụng hình sự, trong thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; làm rõ thêm thông tin về xử lý cán bộ sai phạm; cách thức xử lý đối với kiến nghị, phản ánh; đánh giá thêm về tỷ lệ TC đúng, có đúng, có sai…

Các thành viên Đoàn giám sát lưu ý Bộ Công an đánh giá kỹ thêm về vai trò, chức năng bảo đảm an ninh trật tự trong giải quyết KNTC, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt cần làm rõ thêm cách thức, phương pháp phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng KNTC để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trước xu hướng TC ngày càng tăng và tính chất, quy mô việc TC, lợi dụng TC để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Một số đại biểu đề nghị cần có giải pháp vấn đề số hóa trong công tác tiếp công dân và KNTC để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch QH Trần Quan Phương chỉ rõ, thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các yếu tố phát sinh KNTC ngày càng lớn. Do vậy, Bộ Công an cần tiếp tục tăng cường tiếp công dân, giải quyết KNTC trong phạm vi, chức năng của mình gắn với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia.

Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Công an trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết KNTC, Phó Chủ tịch QH đề nghị Bộ Công an phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn một số nội dung để kiến nghị sửa đổi pháp luật, hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô, đồng thời góp phần tạo sự lan tỏa, cảm hứng hành động đối với các cấp, các ngành trong giải quyết KNTC.

Đọc thêm