Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết Vụ đã chủ trì, phối hợp Cục Kiểm tra VBQPPL và các đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức báo cáo tại cuộc họp. |
Dự thảo Nghị định gồm 3 điều, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Nhóm quy định được cắt giảm hoặc đơn giản hóa về yêu cầu, cách thức thực hiện để đẩy nhanh tiến độ tiến độ xây dựng văn bản nhưng vẫn bảo đảm phù hợp quy định của Luật Ban hành VBQPPL; Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ ràng, rành mạch hơn để đảm bảo phù hợp quy định của Luật Ban hành VBQPPL và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương; Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác xây dựng pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
So với dự thảo Nghị định đã báo cáo Lãnh đạo Bộ trước đó, dự thảo đã sửa đổi một số nội dung bao gồm: không bãi bỏ Điều 4 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về các trường hợp lập đề nghị xây dựng VBQPPL; giữ lại quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về lấy ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đối với VBQPPL của địa phương; sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 và điểm c Khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về trách nhiệm thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 42 quy định về hình thức các tài liệu trong hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL gửi thẩm định để thống nhất cách hiểu và áp dụng…
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị định đó là việc sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến tự kiểm tra văn bản. Cụ thể là về khái niệm “kiểm tra VBQPPL”, phương thức và căn cứ thực hiện kiểm tra văn bản, trách nhiệm tự kiểm tra văn bản được sửa đổi, bổ sung với mục tiêu gắn trách nhiệm tự kiểm tra văn bản của các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản cả ở trung ương và địa phương.
Bộ trưởng Lê Thành Long kết luận cuộc họp. |
Trao đổi tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng dự thảo Nghị định nên quy định việc tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền chỉ được tiến hành khi gắn với yếu tố "có dấu hiệu trái pháp luật” của văn bản. Từ đó đề xuất sửa đổi Điều 106 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP theo hướng xác định rõ căn cứ thực hiện tự kiểm tra văn bản và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền đều gắn với dấu hiệu trái pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên quy định theo hướng như trên bởi như vậy sẽ thu hẹp phạm vi tự kiểm tra, trách nhiệm tự kiểm tra của chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản và dẫn đến văn bản không được kiểm tra ngay sau khi được ban hành mà chỉ được kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu cần làm nổi bật những điểm mới của dự thảo Nghị định. Đối với vấn đề kiểm tra văn bản, Bộ trưởng yêu cầu giữ nguyên quy định về cách thức, phương thức kiểm tra theo thẩm quyền VBQPPL của các bộ, ngành, địa phương. Về nội dung tự kiểm tra văn bản, Bộ trưởng đề nghị không quy định theo hướng hạn chế phạm vi khi gắn với yếu tố "có dấu hiệu trái pháp luật” của văn bản đồng thời làm rõ các quy định về tự kiểm tra, tăng cường trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương.
Một số hình ảnh tại cuộc họp: