Tăng cường trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình

(PLVN) -Từ thực trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị BLGĐ trên địa bàn cả nước. 

Bạo lực gia đình “không còn là chuyện trong nhà”

Song hành cùng cuộc sống hiện đại, hành vi BLGĐ không còn gói gọn trong việc chà đạp thể chất, thượng cẳng chân hạ cẳng tay mà còn là bạo lực về tinh thần, hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh tế… Đặc biệt, đại dịch Covid-19 gây ra tổn thất nặng nề trên toàn thế giới, đồng thời khiến cho trẻ em và phụ nữ gia tăng nguy cơ bị bạo lực, như ngược đãi, bạo lực trên cơ sở giới và xâm hại tình dục. Một số báo cáo gần đây cho thấy việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội đi kèm với áp lực kinh tế và xã hội đối với các gia đình đang dẫn đến bạo lực tăng lên, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300%. Tại Việt Nam, 21 triệu trẻ em không đến trường và cách ly ở nhà trong thời gian qua. Hiện thực mới này tác động trực tiếp đến sự chăm sóc, bảo vệ và an toàn của trẻ em.

Đối tượng phụ nữ bị BLGĐ phần lớn kiến thức về pháp luật mà đặc biệt là kiến thức về luật Phòng chống bạo lực gia đình, luật Bình đẳng giới còn hạn chế. Nên khi có vụ việc bạo hành gia đình xảy ra, các nạn nhân không biết phải làm sao, giải quyết như thế nào, cũng như các cách tự bảo vệ mình trước hành vi BLGĐ. 

Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật và chính sách liên quan phòng, chống bạo lực trong gia đình và bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007. Thế nhưng, đa số nạn nhân của BLGĐ vẫn gặp phải một số rào cản trong việc thoát khỏi người gây bạo lực và tìm kiếm sự giúp đỡ, kể cả hỗ trợ của pháp luật. Do đó, hiệu quả của việc thực thi pháp luật và các mô hình phòng, chống bạo lực chưa được đánh giá một cách khách quan, tồn tại những khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế thực hiện; vẫn còn những khoảng trống, điểm mờ pháp lý trong nỗ lực đưa ra ánh sáng những hành vi bạo hành thể xác và tinh thần, trong đó có xâm hại, lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó, kiến thức và nhận thức pháp luật về BLGĐ của người dân, cha mẹ, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm, thậm chí của cả người thực thi pháp luật vẫn còn hạn chế, lệch lạc; BLGĐ vẫn bị coi là vấn đề riêng tư, là chuyện trong nhà…

Nâng cao năng lực TGPL cho nạn nhân BLGĐ

Để nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý (TGPL) cho trẻ em và nạn nhân BLGĐ, Bộ Tư pháp và các địa phương đã quan tâm, đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức. Cụ thể, tăng cường công tác thông tin và truyền thông về TGPL để các đối tượng có thể chủ động yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết, đặc biệt khi nạn nhân là phụ nữ, trẻ em. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn về Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng nhiều phóng sự, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ việc TGPL cho trẻ em, nạn nhân bị BLGĐ; giúp người dân, trong đó có nạn nhân chịu BLGĐ và trẻ em hiểu về quyền được TGPL của họ, kịp thời tiếp cận dịch vụ TGPL (miễn phí) của Nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Không những thế, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan “Phản ứng nhanh” về các vụ việc BLGĐ. Sự phối hợp giữa các tổ chức TGPL với các cơ quan liên quan để phát hiện và TGPL kịp thời nạn nhân bị BLGĐ là rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền TGPL. Các tổ chức thực hiện TGPL cần tận dụng lợi thế của của mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, Zalo… để chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan người được TGPL là phụ nữ, trẻ em gái trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện TGPL và chất lượng dịch vụ TGPL; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý theo hướng kết hợp giữa tự học, tự nghiên cứu hoàn thiện mình với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn lại, trong đó đặc biệt chú trọng việc tự học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù và thực hiện TGPL trên từng lĩnh vực cụ thể. Nâng cao trách nhiệm của luật sư với tư cách là người bảo vệ công lý khi tham gia TGPL cần nhiệt tình, có trách nhiệm, bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng khi thực hiện TGPL cho các đối tượng dễ bị tổn thương… 

Đọc thêm