Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2024, Cục đã triển khai hiệu quả Kế hoạch công tác và nhiều nhiệm vụ phát sinh, trong đó: thể chế tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động bổ trợ tư pháp; việc phát triển các nghề tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản… tiếp tục được tăng cường theo định hướng phát triển số lượng đi đôi với tăng cường chất lượng đã góp phần làm giảm công việc và chi phí của nhà nước, tăng cường tiếp cận công lý của người dân, bảo đảm an toàn pháp lý và thúc đẩy các giao dịch trong hoạt động kinh tế, dân sự.
Việc phát triển các nghề mới như thừa phát lại, quản tài viên cũng được quan tâm thực hiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp ngày càng đi vào chiều sâu, kịp thời tham mưu cho Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ trong việc chỉ đạo, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp trong bối cảnh công cuộc cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
|
Cục trưởng Lê Xuân Hồng phát biểu tại Hội nghị. |
Việc hướng dẫn nghiệp cụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được chú trọng, đổi mới, đạt nhiều kết quả tích cực; công tác thanh tra, kiểm tra từng bước đã được đẩy mạnh, tăng cường, nhiều vi phạm đã kịp thời được phát hiện, qua đó chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; kịp thời phản ứng các vấn đề, thông tin báo chí nêu, dư luận xã hội quan tâm liên quan đến công tác bổ trợ tư pháp.
Bên cạnh đó, hoạt động cấp phép, bổ nhiệm các chức danh bổ trợ tư pháp từng bước được chuẩn hoá, đã kịp thời hơn, không có sự nhũng nhiễu, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được triển khai, thực hiện.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số nhiệm vụ về xây dựng văn bản còn chưa đảm bảo tiến độ; hoạt động hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá tài sản còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; công tác giám định tư pháp cũng còn nhiều tồn tại như chậm trễ về thời hạn giám định, trách nhiệm của các Bộ, ngành UBND cấp tỉnh trong công tác giám định, chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm. Hoạt động kiểm tra đối với một số lĩnh vực như công chứng, đấu giá tài sản, trọng tài, hoà giải, thương mại… còn chưa được đầu tư, quan tâm.
Tại Hội nghị, các đại biểu thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác bổ trợ tư pháp, đồng thời đưa ra một số giải pháp, biện pháp khắc phục như: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tập trung triển khai số hoá trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; phối hợp Vụ Hợp tác quốc tế đối với việc thực hiện các hoạt động, dự án, chương trình hợp tác liên quan đến lĩnh vực bổ trợ tư pháp…
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025; Lãnh đạo, các cán bộ, công chức của Cục phải chủ động nâng cao năng lực, trình độ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của đơn vị.
|
Thứ trưởng Mai Lương Khôi kết luận Hội nghị. |
Tập trung nguồn lực để tham mưu xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo Luật Luật sư (sửa đổi) và Luật Giám định tư pháp (sửa đổi), bảo đảm tiến độ, chất lượng. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai đồng bộ các Luật mới được thông qua (Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, Luật Công chứng sửa đổi), các Nghị định, Thông tư mới được ban hành. Qua đó, Thứ trưởng Mai Lương Khôi mong muốn đơn vị tiếp tục phát huy, kế thừa kết quả, thành quả, đề xuất những cách làm hay, đổi mới, sáng tạo để công tác của Cục Bổ trợ tư pháp năm 2025 được thực thi hiệu quả, kịp thời, nhanh chóng hơn.