Tăng lương, cần nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 1/7, lương cơ sở của công chức, viên chức sẽ tăng 30%; còn khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định sẽ tăng 6%. Để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa, bên cạnh việc quản lý tốt, không để giá cả các mặt hàng “té nước theo mưa”, một số ý kiến cho rằng cần nghiên cứu để tăng ngưỡng nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội.
Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tăng mức lương cơ sở 30% là mức tăng cao nhất trong lịch sử từ khi thành lập nước cho đến nay.

Tổng hợp sơ bộ của Bộ Nội vụ cho thấy, việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp sẽ tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội; khoảng 50 triệu người do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...

Việc tăng lương thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.

Vui mừng vì lương tăng nhưng có ý kiến cũng lo ngại về việc giá cả hàng hóa tăng theo, cùng khoản tiền thuế TNCN phải đóng cũng tăng thêm.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về việc cần thiết điều chỉnh thuế TNCN và mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo ý nghĩa của việc tăng lương.

Tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội (QH) về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 diễn ra chiều 26/6, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với việc Chính phủ trình tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ, chính sách cũng như các đề xuất giải pháp lương mới áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Tuy nhiên, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nêu thực tế, khi tăng lương, giá cả các mặt hàng tăng mạnh. Do đó, khi thực hiện tăng lương, cần có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.

Đặc biệt, Đại biểu cho rằng, khi tăng lương, cần nghiên cứu về mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN.

“Bây giờ mức sống tăng lên, chi phí đắt đỏ lên rồi thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng thêm ít là 30%, đến 50% là hợp lý”, Đại biểu nhấn mạnh.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng nêu thực tế, Luật Thuế TNCN được Quốc hội thông qua năm 2007, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012 và 2014. Thời gian qua, dư luận xã hội cũng như cử tri TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác phản ánh một số bất cập của Luật thuế này.

“Mặc dù năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 54/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020, qua đó góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế từ tiền lương, tiền công; nhưng một số bất cập như cử tri đã phản ánh liên quan đến khoảng cách giữa các bậc chịu thuế, các chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế... hiện vẫn chưa được giải quyết”, Đại biểu nói.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (hàng ghế đầu).

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (hàng ghế đầu).

Bên cạnh đó, theo Đại biểu Đỗ Đức Hiển, dù Luật thuế TNCN có quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo nhưng mức thu nhập tính thuế thì không có quy định điều chỉnh theo CPI.

“Đó là chưa kể thống kê CPI không thể bao gồm tất cả các loại chi phí và rổ hàng hóa tính CPI hiện nay cũng chưa phản ánh hết biến động giá cả của những hàng hóa, dịch vụ gắn liền với đời sống thực tế của người lao động, nên CPI biến động đến 20% thì tổng chi của hộ gia đình tăng hơn rất nhiều; trong khi đó, hiện nay trung bình mỗi năm CPI tăng 3-4%, nếu theo quy định này thì phải đợi mấy năm mới giảm trừ gia cảnh cũng cần cân nhắc, đánh giá bảo đảm sát hơn với thực tế cuộc sống”, Đại biểu nói.

Do vậy, Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế TNCN, nếu cần thiết báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cũng chỉ ra rằng, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những TP lớn, đang gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế.

“Mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Mức giảm trừ gia cảnh hiện chưa phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của các gia đình và cá nhân, chưa phản ánh đúng thực tế cuộc sống. Vì vậy, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua quy định của Luật Thuế TNCN theo đề xuất sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh thắt lưng, buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN”, Đại biểu nêu băn khoăn.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, từ 1/7/2024, khi lương tăng nhưng mức thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh chưa được điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động, bởi lương tăng cũng đồng nghĩa với việc thu nhập tính thuế sẽ tăng.

Tăng lương là điều mà tất cả người lao động đều mong chờ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nếu tăng lương không đi cùng với việc giải quyết câu chuyện giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế sẽ khiến người làm công ăn lương chịu áp lực đóng thuế thu nhập, dù cuộc sống vẫn còn nhiều chật vật. Đó là còn chưa kể đến việc lương mới chỉ rục rịch tăng nhưng giá cả hàng hóa đã tăng. Do vậy, cần tính toán và điều chỉnh lại ngưỡng nộp thuế, hoặc ít nhất là điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp hơn với điều kiện thực tế.

Đọc thêm