Chính phủ vừa ban hành Nghị định 182/2013/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Văn bản này sẽ thay thế Nghị định 103 ngày 4/12/2012.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với các đơn vị trên từ ngày 1/1/2014, sẽ là: Vùng I: 2.700.000 đồng/tháng; Vùng II: 2.400.000 đồng/tháng; Vùng III: 2.100.000 đồng/tháng và Vùng IV là 1.900.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000-350.000 đồng một tháng, tương đương mức tăng xấp xỉ 15%.
Trước đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra 2 phương án tăng cho năm 2014. Với đề xuất này, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thấp nhất là 30% và đáp ứng khoảng 80% mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, sau đó, trong phương án Bộ Lao động Thương Binh Xã hội trình Chính phủ thì cơ quan này chỉ đề xuất tăng khoảng 17%, lên mức dao động từ 1,9-2,75 triệu đồng một tháng.
Đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng gồm doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp FDI); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động. Bên cạnh đó, Nghị định trên cũng áp dụng với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động...
Nghị định 182 cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng quy định như trên cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương bảo đảm mức tiền lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Mức tiền thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.
Văn bản này có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2013. Mức lương tối thiểu vùng tại Nghị định này được áp dụng từ 1/1/2014.