Tại Đà Nẵng, vừa xảy ra câu chuyện "động trời" khi một Công ty ép công nhân làm việc kiệt sức đến ngất xỉu. Theo một điều tra của báo chí thì có đến 18 người phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, 8 người bị nặng phải chuyển lên tuyến trên.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cho hay chỉ có 6 người nhập viện và 4 người đã ra viện. Số lượng người nhập viện còn gây tranh cãi nhưng có thứ không thể tranh cãi nổi là công nhân ở đây phải làm việc đến 17 tiếng đồng hồ một ngày.
Trước khi xảy ra chuyện này, liên tiếp diễn ra các hội thảo về lương tối thiểu cho công nhân. Những nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu mức lương tối thiểu tăng thêm từ 8 – 16% vào năm 2014 thì cũng chỉ đảm bảo được 77 – 84% mức sống tối thiểu của công nhân.
Như vậy, trong nhiều năm qua, công nhân đã sống dưới mức tối thiểu, tức là không phải sống nữa mà là sự vắt khô sức lực từng ngày. Đã gọi là tối thiểu mà còn dưới cả đáy nữa thì công bằng ở chỗ nào?.
Trong khi đó, một số lãnh đạo của công nhân hoặc các ông chủ thì lĩnh lương "khủng" và tự cho là xứng đáng với sự cống hiến của mình! Trước đề nghị tăng lương tối thiểu cho người lao động – một đòi hỏi cấp bách và nhân đạo thì vẫn có cách nhà “hoạch định chính sách xã hội” tỏ ra e ngại là như vậy một loạt doanh nghiệp bị phá sản.
Từ đầu năm đến nay những vụ đình công đòi tăng lương của thợ thuyền liên tiếp xảy ra, chủ doanh nghiệp phải chấp nhận đề nghị đó, có thấy họ bị phá sản đâu?.
Nhận đồng lương tối thiểu và sống dưới mức tối thiểu mà phải làm việc đến 17 giờ một ngày, không kiệt sức đến ngất xỉu mới là chuyện lạ.
Nhị Ngọc