Tăng sức đề kháng cho 'thế hệ mong manh'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thế hệ Gen Z và những người trẻ ngày nay đang đối mặt với một thực tế đầy thách thức. Mặc dù được sinh ra trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, đầy đủ điều kiện vật chất, nhưng dường như lại dễ bị tổn thương hơn so với các thế hệ trước.
Thế hệ trẻ ngày nay, dù đầy đủ về vật chất nhưng lại đang đối diện với những thách thức tâm lý sâu sắc. (Nguồn: ST)
Thế hệ trẻ ngày nay, dù đầy đủ về vật chất nhưng lại đang đối diện với những thách thức tâm lý sâu sắc. (Nguồn: ST)

Nỗi lo về một thế hệ dễ tổn thương

Vô tình đọc được tin nhắn tâm sự của con gái 16 tuổi gửi cho bạn thân, chị Nguyễn Thanh Đào (ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh) rất hoảng hốt vì không ngờ con giấu trong mình quá nhiều tâm sự như thế. Từ cảm giác cha mẹ không thương mình bằng em gái, cha mẹ không hiểu mình đến chuyện trên lớp thầy cô nhiều khi la mắng nặng lời, hay bạn bè đùa quá trớn...

Tất cả những điều này đều làm cô gái trẻ thấy mệt mỏi, bất mãn, thậm chí thổ lộ với bạn thân ý muốn tự “kết liễu” vì thấy cuộc đời sao nhiều áp lực và mệt mỏi thế. Suy xét lại, chị thấy vợ chồng mình rất thương con, chiều con, chỉ thi thoảng la mắng khi con có lỗi, còn em gái thì quá bé, mới 6 tuổi nên đôi khi được “ưu ái” hơn tí là bình thường, nhưng con lại suy diễn, tổn thương.

Thời gian qua, nhiều phụ huynh cũng đã bày tỏ mối lo về việc con mình quá dễ tổn thương trước những sự việc đơn giản. Có em, vì bị mắng do đi học về trễ, vào phòng khóa cửa lại và tự rạch cổ tay mình, may mà cha mẹ phát hiện ra kịp thời. Có cả những nhóm thiếu niên đang là học sinh cấp 2, cấp 3 lên mạng lập ra những hội nhóm kiểu như “Hội những kẻ chán đời”, hay “Hội những người tâm hồn mong manh, dễ vỡ”.

Trong những hội nhóm này, các em bày tỏ rất nhiều cảm xúc tiêu cực, sự nhạy cảm, tổn thương trước rất nhiều vấn đề trong cuộc sống như không hài lòng với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, mệt mỏi vì học hành, vì mạng xã hội, chán ghét đối với nhiều vấn đề trong cuộc sống...

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 - 29 có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%) Ngoài ra, rối loạn lo âu và các vấn đề tâm lý khác cũng gia tăng nhanh chóng, đặt ra câu hỏi: tại sao thế hệ trẻ dễ tổn thương hơn dù có điều kiện sống tốt hơn.

Thay đổi cách nhìn nhận đối với người trẻ

Có nhiều yếu tố lý giải vì sao thế hệ trẻ ngày nay có vẻ nhạy cảm hơn. Trước hết, áp lực từ xã hội và truyền thông là một trong những nguyên nhân. Những tiêu chuẩn về vẻ đẹp, thành công, hay cuộc sống "hoàn hảo" mà thanh, thiếu niên thường chứng kiến trên mạng xã hội tạo ra một áp lực vô hình, dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm khi không đạt được những gì xã hội hay bản thân kỳ vọng.

Thêm vào đó, nhiều phụ huynh ngày nay có xu hướng bảo vệ con cái quá mức, dẫn đến việc các bạn trẻ thiếu kỹ năng tự xử lý căng thẳng và đối mặt với thất bại khi đối mặt với thực tế cuộc sống diễn ra không như ý. Ngoài ra, sự thay đổi xã hội sâu sắc trong thời đại công nghệ số đã làm tăng thêm áp lực cho thế hệ trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, cần nhìn nhận rằng thế hệ trẻ ngày nay có ý thức cao hơn về sức khỏe tinh thần so với thế hệ trước. Việc thoải mái thảo luận công khai về trầm cảm, lo âu và các vấn đề tâm lý khác đã giúp người trẻ dễ dàng nhận biết và thừa nhận hơn về những khó khăn tinh thần mà mình đang đối mặt. Thế hệ trước đây có thể cũng đã trải qua những khó khăn tương tự nhưng không có đủ không gian để bộc lộ hoặc tiếp cận với các dịch vụ tư vấn tâm lý như hiện tại.

Điều này dẫn đến câu hỏi liệu chúng ta có đang phán xét thế hệ trẻ một cách không công bằng khi coi giới trẻ là “mong manh” hay không. Thay vì phán xét, người lớn cần làm là tìm cách giúp thế hệ trẻ xây dựng một nền tảng tinh thần vững chắc hơn. Thông qua giáo dục và khuyến khích con trẻ phát triển kỹ năng tự quản lý cảm xúc, học cách đối mặt với thất bại, cách giải quyết vấn đề và xây dựng mối quan hệ xã hội vững chắc để có nền tảng tinh thần mạnh mẽ hơn.

Mặt khác, chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga cho rằng, cha mẹ cần giảm bớt áp lực về thành tích, khuyến khích con cái tập trung vào quá trình học hỏi và khám phá thay vì chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng, dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của con, tạo ra một không gian an toàn để con có thể chia sẻ và giải tỏa những áp lực.

Đọc thêm