Khát vọng 2021

(PLVN) - Hôm nay (4/1) là ngày làm việc đầu tiên, tuần làm việc đầu tiên của năm kế hoạch 2021. Nhìn lại năm 2020, đất nước đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch Covid -19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Ảnh minh họa: VTV
Ảnh minh họa: VTV

Nhìn rộng hơn, không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh; qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội.

Với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ 2016 – 2020 về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước, cơ đồ dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp. Thực tiễn năm 2020 cho thấy, những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là những dịp bản sắc của tinh thần dân tộc ta lại trỗi dậy, đó chính là sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế Việt Nam giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD – đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Còn theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều này dễ ghi nhận.

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt mục tiêu: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế  - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình Covid-19 trong nước và thế giới. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế  - xã hội.

Cả hệ thống chính trị đang phấn đấu xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, ở đó mọi tầng lớp nhân dân đều có cơ hội chung tay góp sức, chia sẻ khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Kết quả có được hay không phải bắt đầu từ những ngày làm việc đầu tiên.