Tăng vọt số người chết do Covid - 19 ở Italy, tổng gần bằng Trung Quốc

Italy ghi nhận 2.987 người chết vì nCoV sau khi tăng 475 ca trong một ngày, gần bằng số ca tử vong ở Trung Quốc là 3.237. Nước này cũng đang là "ổ dịch" lớn thứ 2 trên thế giới...
Tăng vọt số người chết do Covid - 19 ở Italy, tổng gần bằng Trung Quốc

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết nước này ghi nhận thêm 475 người chết vì nCoV, mức tăng trong ngày cao nhất thế giới và cao nhất từ khi nước này công bố số liệu. Trong số 475 ca, riêng vùng Lombardy ghi nhận 319 trường hợp.

Tổng cộng đến sáng nay, 19/3, Italy có 35.713 người nhiễm nCoV, 2.978 người chết, 4.025 người bình phục. Số người chết vì nCoV ở Italy chiếm hơn 1/3 số ca tử vong toàn cầu, trong bối cảnh nước này đã đóng cửa tất cả các doanh nghiệp, cấm các cuộc tụ họp công cộng.

VnExpress cho biết, tỷ lệ tử vong ở Italy là 8,3%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu 4,1%. Dân số già và bệnh viện quá tải là hai trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở nước này đặc biệt cao.

Người đàn ông đeo khẩu trang vận chuyển quan tài người chết vì Covid-19 đến nghĩa trangBergamo, Italy hôm 16/3.Ảnh: Reuters.

Nhân viên nhà tang lễđưa thi thể người chết vìnCoV đến nghĩa trangBergamo, Italy hôm 16/3.Ảnh:Reuters.

"Biện pháp chính hiện nay là đừng từ bỏ", Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Italy Silvio Brusaferro nói tại Rome ngày 18/3. "Sẽ mất vài ngày trước khi chúng ta thấy được lợi ích của các biện pháp ngăn chặn. Chúng tôi phải tiếp tục duy trì để thấy tác dụng của chúng và trên hết là bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất", Brusaferro nói.

Tính đến 6h hôm nay, số ca mắc COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục là 137.259, trong đó nhiều nhất là Italy, tiếp đến là Iran (17.361 ca) và Tây Ban Nha (14.769 ca).

Dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 8.973 người trên thế giới. Sau Italy, Iran ghi nhận 1.135 ca và Tây Ban Nha 638 ca.

Dịch đang lây lan mạnh ở châu Âu. Tây Ban Nha ghi nhận hơn 14.700 nhiễm, 638 ca tử vong, Đức hơn 12.300 ca nhiễm, 28 người chết, Pháp hơn 9.100 người nhiễm, 264 ca tử vong, Anh hơn 2.600 ca nhiễm, 104 người tử vong.

Theo Báo Tin tức, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp đã khiến nhiều nước phải đưa ra những quyết định khẩn cấp. Sau Italy và Tây Ban Nha, Pháp cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa trong ít nhất 15 ngày. Bỉ yêu cầu các công dân ở nhà tới ít nhất là ngày 5/4. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố tất cả các trường học trên cả nước sẽ đóng cửa từ ngày 20/3 do dịch COVID-19 diễn biến ngày càng xấu. Theo nhà lãnh đạo Anh, đây là biện pháp tăng cường cần thiết do số người mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 đang gia tăng nhanh. 

Trong thông điệp được phát trực tiếp toàn quốc lần đầu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhấn mạnh tình hình là rất nghiêm trọng, kêu gọi mọi người cùng nghiêm túc trong bối cảnh hiện nay. 

Bà nêu rõ cần phải tôn trọng việc duy trì khoảng cách lẫn nhau và việc đóng lại cuộc sống công cộng thường nhật là "vấn đề sống còn". Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh những quy định áp đặt cho mọi hành động hiện nay là nhằm làm chậm sự lây lan của virus, có thể kéo dài nhiều tháng. Tất cả sẽ phụ thuộc vào việc mọi người tuân thủ và thực hiện các hạn chế mà không có ngoại lệ với bất cứ trường hợp nào. Thành phố Mitterteich bị áp đặt lệnh giới nghiêm để ngăn dịch COVID-19 lây lan.
Tại Nga, các biên giới đã đóng cửa với người nước ngoài trong khi các trường học cũng sẽ tạm ngừng hoạt động từ ngày 23/3 tới 12/4, mọi chuyến bay tới Anh, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng sẽ bị hoãn từ ngày 20/3.
Covid-19 xuất hiện ở 173 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi dịch khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019, khiến hơn 218.000 nhiễm, gần 9.000 người chết, hơn 84.000 người hồi phục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đây là đại dịch và kêu gọi các quốc gia tăng cường các biện pháp ứng phó.