Xác định đúng nguyên nhân để đề ra giải pháp đột phá
Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH; đánh giá báo cáo của Chính phủ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Theo ông Bùi Văn Cường, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, gia tăng xung đột tại các khu vực dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế, nhưng với quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực.
Để hoàn thiện báo cáo, Tổng Thư ký QH chỉ ra rằng, trong báo cáo của Chính phủ chưa nêu bật được kết quả thực hiện các nhiệm vụ QH yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2023 tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Do đó, ông Bùi Văn Cường đề nghị cân nhắc thêm để làm rõ về những nhiệm vụ đã hoàn thành, nhiệm vụ chưa hoàn thành, lý do, nguyên nhân khách quan và chủ quan, đề xuất giải pháp xử lý.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký QH đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của các hạn chế, tồn tại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bởi, xác định đúng, trúng nguyên nhân của hạn chế thì mới đề ra được giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.
Về các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Bùi Văn Cường đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, các pháp lệnh, nghị định, thông tư để kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập để kịp thời giải quyết trên tinh thần vướng, khó ở đâu thì có tháo gỡ để kịp thời giải quyết, đảm bảo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả ngày càng cao.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng báo cáo của Chính phủ mới tập trung nêu kết quả thực hành tiết kiệm về ngân sách nhà nước, tài sản công; còn việc phân tích, đánh giá các vấn đề lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công là vấn đề khá lớn, nhiều năm đã đánh giá nội dung này nhưng chưa được đề cập chi tiết.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại phiên họp. |
Vì vậy, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ cần quan tâm phân tích đánh giá cụ thể hơn về vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công của các Bộ, ngành, địa phương; phân tích làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm vì đầu tư công là động lực cho phát triển.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng lưu ý việc sắp xếp, xử lý tài sản công các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập, nhất là các huyện, xã khu vực miền núi gây lãng phí lớn, thiếu cơ chế, chính sách pháp luật để xử lý; một số công trình, dự án kéo dài nhiều năm, đội vốn, không hoàn thành để đưa vào khai thác ở một số nơi.
Cụ thể hóa hơn các giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Đề cập đến việc lãng phí về nguồn lực thời gian, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh đánh giá tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra.
“Riêng trong mảng kinh tế của chúng tôi, qua rà soát, có 12 đầu việc phải ban hành văn bản quy định chi tiết thì chỉ có 3 việc hoàn thành đúng thời hạn, 9 việc chậm”, ông Thanh nói và cho rằng có “khoảng trống” pháp lý, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức triển khai thực hiện, làm mất cơ hội của doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Vấn đề này cần phải mổ xẻ, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp khắc phục”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cụ thể hóa hơn các giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; lưu ý cụ thể hóa việc xây dựng triển khai các kế hoạch, chương trình để thực hiện Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị, bám sát Kế hoạch số 81 của UBTVQH để hoàn thiện chính sách pháp luật.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu, còn bất cập, nghiên cứu; bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, có giải pháp hiệu quả để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ, thị trường vàng; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công; tài nguyên, đất đai…