Thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù Bộ Công an cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả tích cực. Đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã hội; từng bước xóa bỏ định kiến, kỳ thị, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự phối hợp của các bộ, ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP còn chưa chặt chẽ, thường xuyên; cấp ủy, chính quyền địa phương có nơi, có lúc còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội tham gia giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù còn nhiều bất cập, hạn chế...
Khắc phục những quy định không còn phù hợp của Nghị định 80/2011/NĐ-CP , trong điều kiện Luật Thi hành án hình sự mới (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020), việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết về tái hòa nhập cộng đồng đối với người bị kết án phạt tù là cần thiết.
Theo đó, về đối tượng áp dụng, Dự thảo Nghị định mở rộng thêm người được tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và yêu cầu thực tiễn công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người bị kết án phạt tù trong tình hình hiện nay; Bổ sung thêm một số nội dung về quyền, nghĩa vụ của người bị kết án phạt tù để phù hợp với quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (như: đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, miễn giảm nghĩa vụ dân sự…; cam kết thực hiện nghĩa vụ của người bị kết án phạt tù…);
Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của các cơ sở giam giữ trong việc hướng dẫn phạm nhân xây dựng kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng của bản thân; phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân. Đây là nội dung cần thiết cần được bổ sung nhằm giúp từng phạm nhân có định hướng, lộ trình để trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng của bản thân sau khi chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, tổ chức cho phạm nhân học nghề, nâng cao tay nghề cho phạm nhân với thời gian ít nhất ba tháng trước khi chấp hành xong án phạt tù và phối hợp trong việc cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù. Đây là nội dung cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi giúp người chấp hành xong án phạt tù tìm kiếm việc làm, đồng thời phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 33/CT-TTg về “Tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù”.
Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định trường hợp thực tế phạm nhân không có nơi nương tựa, không xác định được nơi về cư trú sau khi chấp hành xong án phạt tù và là đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội thì các cơ sở giam giữ phạm nhân đề nghị cơ quan chức năng của địa phương nơi phạm nhân chấp hành án làm thủ tục tiếp nhận vào các cơ sở bảo trợ xã hội của các địa phương sau khi hết hạn chấp hành án phạt tù. Việc đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định để giải quyết vướng mắc thực tế của các cơ sở giam giữ phạm nhân khi trả tự do cho số người chấp hành xong án phạt tù không xác định được nơi về cư trú, ốm đau bệnh tật không tự phục vụ, không có người thân thích…