Tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý

(PLVN) - Người được trợ giúp pháp lý (TGPL) được Luật TGPL năm 2017 tạo điều kiện như thế nào thông qua các quy định về thủ tục yêu cầu TGPL, thụ lý thực hiện TGPL… Tư vấn của Luật gia Bùi Đức Độ (Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Kiên Giang) dưới đây sẽ giúp người dân biết và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời.
TGPL miễn phí cho người dân là một trong những nghĩa vụ của luật sư. 
(Ảnh minh họa)
TGPL miễn phí cho người dân là một trong những nghĩa vụ của luật sư. (Ảnh minh họa)

Để tạo điều kiện cho người dân, Luật TGPL năm 2017 đã bổ sung quy định về việc nộp hồ sơ yêu cầu TGPL. Theo đó, tại Điều 29 quy định, người dân được lựa chọn trong 3 hình thức sau để đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại: (1) Nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện TGPL (người yêu cầu TGPL nộp Đơn yêu cầu TGPL và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được TGPL); (2) Người yêu cầu TGPL gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính (gồm: Đơn yêu cầu TGPL; giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL và bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được TGPL); (3) Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử (khi gặp người thực hiện TGPL, người yêu cầu TGPL phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được TGPL).

Luật này cũng quy định, trong trường hợp nộp yêu cầu trực tiếp, nếu người yêu cầu TGPL không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn.

Yêu cầu TGPL có thể tự mình thực hiện hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (khoản 2 Điều 8). Luật quy định Sở Tư pháp phải công bố danh sách các tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (khoản 2 Điều 10 và khoản 2 Điều 17).

Điểm hoàn toàn mới so với trước đây là thụ lý giải quyết ngay khi người yêu cầu chưa thể cung cấp hồ sơ theo quy định nhưng cần thực hiện TGPL ngay như vụ việc sắp hết thời hiệu, sắp đến ngày xét xử (khoản 4 Điều 30). Điều này thể hiện rõ nét quan điểm lấy người được TGPL làm trung tâm, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân biết và thực hiện quyền của mình, bảo đảm trong những vụ việc cụ thể thì quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL được bảo vệ kịp thời.

Các trường hợp thụ lý ngay được quy định tại Điều 6 Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL, bao gồm: Thời hiệu khởi kiện của vụ việc còn dưới 05 ngày làm việc; Ngày xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử còn dưới 05 ngày làm việc; Các trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật TGPL mà cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước; Các trường hợp để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL do người đứng đầu tổ chức thực hiện TGPL quyết định. 

Luật gia Bùi Đức Độ

Đọc thêm