Có một bộ sưu tập “Hũ gạo tiết kiệm”
Hiện nay, cả nước đang chống lại đại dịch Covid-19 với tinh thần: “Chống dịch như chống giặc”. Trong lịch sử, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã từng chiến thắng những loại giặc đặc biệt như thế. Đó là “giặc đói” và “giặc dốt”.
Để chống lại “giặc đói”, phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hưởng ứng mạnh mẽ tại nhiều địa phương và những người phụ nữ chính là nhân tố chính gắn với các hũ gạo nghĩa tình, trách nhiệm đó. Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện có một bộ sưu tập “Hũ gạo tiết kiệm” như một minh chứng cho giai đoạn lịch sử hào hùng này.
Hũ gạo tiết kiệm được làm bằng sành có chiều cao 35cm của bà Trần Thị Sự khu phố Xuân Hòa, thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang dùng để đựng số gạo tiết kiệm hàng ngày của gia đình mình trong những năm 1945-1946.
Bà Sự kể lại: “Hưởng ứng phong trào gạo tiết kiệm cứu đói, Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các cấp hội lạc quyên cứu đói. Tôi cũng tham gia hưởng ứng, mỗi ngày tới bữa thổi cơm, tôi bớt lại một nắm gạo cho vào hũ, hết tháng đem đến khu phố Xuân Hòa nộp số gạo đã tiết kiệm được. Trung bình một tháng gia đình tôi tiết kiệm được 2,5 cho đến 3kg gạo. Lúc trước, trên chiếc hũ tôi có ghi dòng chữ “Hũ gạo tiết kiệm” bằng vôi để ghi nhớ nhiệm vụ hàng ngày. Nhưng theo thời gian dòng chữ đã bị bong và mờ đi”.
Tinh thần tương thân tương ái đó còn được lan tỏa không chỉ trong người dân trong nước mà còn cả kiều bào ở nước ngoài. Đó là hũ gạo của bà Trương Thị Quế, một Việt kiều yêu nước lúc đó đang sống tại Thái Lan, dùng để đựng gạo tiết kiệm gửi về Việt Nam trong giai đoạn 1951-1952 để ủng hộ kháng chiến. Bà Quế kể lại: “Tôi đã sử dụng chiếc hũ này để tiết kiệm. Mỗi ngày tôi bỏ hai nắm gạo vào trong hũ. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm được 6kg gạo đóng góp vào quỹ cứu quốc”.
Đóng góp gạo từ hũ gạo tiết kiệm - Ảnh tư liệu. |
Hũ gạo tiết kiệm của bà Trương Thị Quế bằng sành màu mâu nhạt, tạo dáng của chiếc hũ mang phong cách đồ gốm Thái Lan. Sau này khi đã trở về Việt Nam, chiếc hũ vẫn đi theo gia đình bà Quế và tiếp tục tham gia phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” trong giai đoạn năm 1965.
Đoàn kết đưa đất nước vượt qua khó khăn
Bây giờ nghe chuyện đóng góp vài cân gạo nghe thật nhỏ nhoi, nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh xã hội cách đây 70 năm khi mà còn rất nhiều thiếu thốn, người dân cơm ăn không đủ no thật đáng trân quý. Và ngay trong thời điểm này khi cả nước đang đồng lòng chống dịch Covid-19 thì một lần nữa tinh thần đoàn kết đồng lòng lại được nhóm lên một cách sôi nổi.
Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Tửu, 101 tuổi, ở thành phố Hà Tĩnh đã trích 26 triệu đồng từ tiền tiết kiệm mua hai tấn gạo tặng bộ đội chống “giặc Covid-19”. Là cây ATM gạo của anh Hoàng Tuấn Anh dành cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại TP.HCM… đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ lan tỏa khắp cả nước, để sự xuất hiện của những cây ATM gạo ngày càng dày đặc hơn trên khắp các tỉnh, thành với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mô hình ATM gạo này đã được cả thế giới ca ngợi.
Bảy mươi năm đã trôi qua, nhưng phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” vẫn phát triển rất mạnh mẽ trong cộng đồng. Tại thôn 5 xã Vũ Hòa, Kiến Xương, Thái Bình, từ năm 2011 đến nay, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác Hồ, phụ nữ thôn 5 lại tập trung tại hội trường thôn, mỗi người cầm trên tay một túi gạo để dành tặng hội viên nghèo nhằm động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.
Chi hội Phụ nữ thôn 5 có 350 hội viên, mỗi ngày chị em tiết kiệm một nắm gạo bỏ vào túi nilon bảo quản cẩn thận để gạo không bị mốc, đến dịp 19/5 mang ra hội trường thôn góp vào hũ gạo tiết kiệm tình thương. Với hình thức này, mỗi năm chị em tiết kiệm được từ 50 - 70kg gạo dành tặng gia đình hội viên nghèo, hội viên đơn thân hoàn cảnh khó khăn.
Tại Trường Sĩ quan Pháo binh - Binh chủng Pháo binh, từ lâu, mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” được Tiểu đoàn 3 triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực và mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Hàng ngày, cán bộ, học viên tiểu đoàn tự nguyện tiết kiệm một phần định lượng ăn của mình bỏ vào hũ gạo được đặt tại vị trí trang trọng trong nhà ăn tập thể tiểu đoàn.
Mỗi năm tiểu đoàn tiết kiệm được gần 1.200kg gạo. Số gạo này đã được đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình quân nhân gặp khó khăn, hoạn nạn, với số lượng 50kg/suất và các gia đình chính sách trên địa bàn đóng quân với số lượng 20kg/suất…
Có thể nói, những chiếc hũ gạo tiết kiệm là vật dụng vô cùng bình thường, quen thuộc nhưng đã và đang thể hiện xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình là tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân Việt Nam để đưa đất nước vượt qua những giai đoạn lịch sử đầy khó khăn.