Tạo dựng giá trị mới từ khu tổ hợp không gian sáng tạo

(PLO) - Vừa bước vào khu tổ hợp Creative Lab by UP, nhóm bạn trẻ đã xà xuống khu cắt may. Khu khác, vài bạn trẻ đang tập tành làm các phụ kiện làm đẹp. Chỉ bằng vài bước gập, tạo hình… một chiếc cặp nơ dành cho bạn gái đẹp mắt đã hiện ra… Phía trong, một anh bạn trẻ đang say sưa nghiên cứu chiếc máy cắt, cách tạo hình các sản phẩm bằng không gia đa chiều.
Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Creative Lab by Up chia sẻ với phóng viên
Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Creative Lab by Up chia sẻ với phóng viên

Chỉ ít thời gian nữa thôi, rất nhiều sản phẩm mới sẽ được ra đời từ khu tổ hợp này… 

 Được sử dụng máy móc hiện đại nhất khu vực…

“Người Việt Nam chúng ta rất giỏi, đặc biệt là các kỹ sư, nhưng sản phẩm tạo ra chỉ là phần mềm, ứng dụng, trò chơi..., chứ không phải là sản phẩm phần cứng, có thể cầm nắm, sử dụng được như điện thoại, đồ chơi”… Từ tin tưởng và suy nghĩ này, Đỗ Hoài Nam nảy ra ý định tìm các bạn trẻ để làm ra những sản phẩm có thật, hiện diện trong đời sống giống như những sản phẩm đang được sử dụng rộng rãi hiện nay. 

Sau khi lên xong ý tưởng, phần tìm địa điểm đặt khu xây dựng và tạo dựng ý tưởng lại trở thành vấn đề khá lớn khiến Hoài Nam đau đầu. Làm ở đâu? Làm thế nào? Là những câu hỏi luôn xuất hiện trong đầu Đỗ Hoài Nam, bởi để có sản phẩm đó cần máy móc, địa điểm, cơ sở hạ tầng nhất định. Máy móc phần lớn đều rất đắt tiền mà chỉ các công ty, các trường đại học lớn mới có đủ khả năng đầu tư. 

Đỗ Hoài Nam mang ý tưởng lớn đến gặp anh Đoàn Kỳ Thanh, người sáng lập Hanoi Creative City và Không gian tổ hợp sáng chế sáng tạo ra đời đúng như kỳ vọng của những người đam mê với công cuộc sáng tạo ra những sản phẩm và tạo dựng những giá trị mới. May mắn hơn, lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng rất ủng hộ ý tưởng này. 

Ông Trần Bảo Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghệ cho biết, Trường sẽ đặt một phòng thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu tại khu tổ hợp không gian sáng tạo này. Ngoài ra, một số máy móc của trường cũng có thể sẽ được chuyển tới không gian này phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, các thầy cô của Đại học Công nghệ cũng sẽ tham gia hoạt động này bằng cách hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng máy móc cho những người có nhu cầu.

Anh Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Creative Lab by UP chia sẻ, với không gian chung này, chúng ta có thể cùng tạo ra những sản phẩm có giá trị. Tại đây, các doanh nghiệp, các bạn trẻ có thể sử dụng cơ sở vật chất là các trang thiết bị, máy móc hiện đại, thiết kế, xây dựng phát triển các sản phẩm mới cũng như xây dựng và phát triển các mối quan hệ với các đối tác.

Anh Đoàn Kỳ Thanh, founder của Hanoi Creative, đồng sáng lập Creative Lab by UP cho rằng, cộng đồng sáng tạo khởi nghiệp đang manh nha, lớn dần lên nên cần một ai đấy kết nối, ủng hộ, xây dựng thành một hệ sinh thái. Điều này có nghĩa rằng, trước đây, nếu chỉ có một mình, sản phẩm làm ra có thể công nghệ tốt nhưng thiết kế xấu hoặc ngược lại, một sản phẩm có thiết kế tốt nhưng công nghệ lại tồi thì khu lab này sẽ cân bằng mọi thứ, để tạo ra sản phẩm hoàn hảo nhất.

Đầu tư hàng triệu USD cho khu Lab

Cơ sở để hai đồng sáng lập của khu lab này tin tưởng vào giá trị tạo dựng ra được khi khu lab đi vào hoạt động chính là những máy móc hiện đại như máy in 3D, máy cắt laze, CNC, máy Scan 3D, các máy kỹ thuật đo đạc điện tử, hệ thống phòng Lab cho gỗ như máy cắt, tiện, bào…, cùng với đó là khoảng 5.000 đầu sách về nghệ thuật thiết kế, kỹ thuật, kinh doanh…

Anh Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Creative lab by Up cho biết: “Rất khó để tính toán chính xác khoản tiền đã đầu tư vì chúng tôi có những đối tác hỗ trợ và luôn đổi máy mới. Có lẽ con số ước chừng phải lên đến vài triệu USD. Máy móc tại khu vực này sẽ luôn được chuyển đổi liên tục để các bạn trẻ có những dụng cụ, máy móc tốt nhất, ví như máy để đo tần số, có giá hàng trăm nghìn USD cũng sẽ được đặt ở đây để các bạn trẻ thử nghiệm những con chip mình tạo ra”. 

Anh Đoàn Kỳ Thanh, kiến trúc sư, founder của Hanoi Creative cho biết phải chuẩn bị mất hơn một năm khu lab này mới chính thức đi vào hoạt động. “Nếu xác định là kinh doanh thì không ai làm. Gần như mấy anh em chấp nhận bù lỗ để có khởi điểm, khai phá một miền đất mới; chấp nhận rủi ro đầu tiên nhưng chúng tôi tin rằng, trong mọi lĩnh vực đều cần những người tiên phong, tạo ra không gian gắn kết con người, để các bạn trẻ có trách nhiệm xã hội sau này” - anh Thanh chia sẻ. 

Lấy kinh nghiệm từ tổ hợp Hanoi Creative đã khai trương vài năm của mình, anh Thanh cho biết, khi bắt đầu xây dựng khu Hanoi Creative chỉ khoảng vài trăm bạn trẻ tới nhưng hiện nay, con số này đã lên đến hàng nghìn, đa phần là các bạn trẻ, độ tuổi càng ngày càng trẻ ra. Anh Thanh khẳng định, đây là mô hình khu nghiên cứu, chế tạo lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, sẽ rất khó khăn, sẽ rất mất nhiều thời gian để đạt được những mục tiêu đã đề ra nhưng các anh vẫn sẽ theo đuổi. Bởi họ rất yên tâm rằng, đến với khu lab này, các bạn trẻ sẽ được tiếp cận với những thiết bị, máy móc hiện đại nhất trong khu vực. Chắc hẳn điều này sẽ khiến các bạn trẻ hăng say thực hành và nghiên cứu hơn. 

Chị Bùi Cẩm Vân, Giám đốc điều hành khu lab này khẳng định, không gian này không chỉ dành cho những bạn khởi nghiệp. Những bạn làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, tạo ra sản phẩm cũng cần không gian chung. Bởi sẽ có rất nhiều bạn có ý tưởng nhưng thiếu nguyên vật liệu hoặc cần những dụng cụ đắt tiền mà không thể mua được. “Hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ mang các ý tưởng chưa bắt đầu làm như IoT, nhà TMT đến đây thử nghiệm và sáng chế, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm khởi nghiệp” - Cẩm Vân bày tỏ.

Tạo ra những giá trị mới…

Ngoài ra, những người tổ chức khu lab sẽ hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, tạo ra nhiều cuộc thi sáng tạo, kết hợp với các doanh nghiệp để nghiên cứu, tạo ra sản phẩm sáng tạo. “Trước mắt chúng tôi và Viettel đã có những hợp tác để đặt ra một cuộc thi, ở đấy, các bạn trẻ sẽ tạo ra sản phẩm và Viettel sẽ ứng dụng vào thực tế để đảm bảo có nguồn đầu ra ngay” - Cẩm Vân cho biết. 

Ngoài việc muốn có một không gian chế tạo, sáng tạo cho những người trẻ, Đỗ Hoài Nam còn mong muốn, tạo ra phong trào chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng, mục đích hướng đến xã hội là chính. “Đây không phải việc từ thiện vì việc từ thiện có thể không tạo ra giá trị gì nhưng chia sẻ cộng đồng trong khu vực lab này sẽ đưa đến việc phát triển hệ thống những người tạo ra các giá trị cho xã hội. Và từ cộng đồng này sẽ hình thành những cộng đồng ủng hộ, chia sẻ, hỗ trợ khác để giúp xã hội đứng vững hơn, tạo ra giá trị liên kết.” - Đỗ Hoài Nam khẳng định. 

Điều mà tất cả các nhà sáng lập của Creative Lab bay Up kỳ vọng chính là việc khu lab này sẽ tạo ra những giá trị mới. Bởi hiện nay, tất cả những giá trị mà chúng ta tạo ra đều tạo ra từ đất mẹ, cái này sẽ lợi bất cấp hại, bởi tiền chỉ dịch chuyển từ sản phẩm này sang sản phẩm khác, không có giá trị cũng như không tạo ra giá trị gì mới. Anh Đỗ Hoài Nam đã là nhà đầu tư thiên thần trong nhiều dự án, có những dự án mà sản phẩm được dùng ở nhiều nước như sản phẩm đồng hồ sức khỏe, do đó, chuyện anh mong muốn tạo ra những giá trị mới từ khu lab này là điều dễ hiểu. 

Ở khu lab này, bất kỳ một sản phẩm nào được tạo ra cũng khiến các nhà sáng chế phát hiện ra lỗi ngay lập tức và có thể sửa đổi để có một sản phẩm tốt nhất. Trong 2 tháng đầu khai trương, khu lab sẽ mở cửa rộng rãi để tất cả mọi người tự vào cuộc, thiết kế và tạo ra các sản phẩm theo đúng ý tưởng của mình, sau đó sẽ tiến hành thu phí thành viên, chi phí vào khoảng 1 triệu/tháng. 

Đỗ Hoài Nam khẳng định: “Vấn đề của chúng ta bây giờ không phải là kiếm tiền mà phải tạo ra những sản phẩm có giá trị để nhận lại sự tưởng thưởng của xã hội, để tạo ra những giá trị mà không cần dựa vào tiềm năng đất mẹ chúng ta vẫn làm được. Từ đó tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung”. 

Đọc thêm