Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng tham dự.
Báo cáo tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương khẳng định hầu hết các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học quan trọng của Bộ giao đều được hoàn thành với khối lượng và chất lượng tốt. Công tác nghiên cứu khoa học của Bộ đã bám sát hơn nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp, góp phần làm rõ các khía cạnh lý luận và thực tiễn cải cách, đổi mới ở nước ta liên quan tới nhà nước pháp quyền, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng ngành. Công tác quản lý khoa học được thực hiện bài bản, công tác thông tin khoa học pháp lý được coi trọng…
Tuy vậy, việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Bộ, ngành còn một số hạn chế như: còn có nhiệm vụ khoa học chậm so với kế hoạch; chất lượng một số nhiệm vụ chưa cao; số lượng công bố quốc tế từ kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học còn chưa nhiều. Việc đưa các giải pháp, đề xuất từ kết quả công trình nghiên cứu khoa học vào thực tiễn ứng dụng còn có lúc chưa kịp thời.
Từ những kết quả và tồn tại nêu trên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Nguyễn Thị Thu Hòe kiến nghị Viện Khoa học pháp lý cần tiếp tục rà soát, đề ra các giải pháp để ứng dụng các đề tài khoa học, tránh lãng phí đồng thời cần tiến hành tổng kết công tác thi đua – khen thưởng trong nghiên cứu khoa học để tạo động lực cho cán bộ, công chức trong ngành.
Còn Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến nhận định công tác nghiên cứu khoa học năm 2018 ngày càng bài bản, có nhiều đề tài khoa học cấp Bộ được bảo vệ thành công, kịp thời phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật của Bộ, ngành. Ông Tuyến đề xuất trong thời gian tới, cần tổng hợp kết quả của các Đề án bằng văn bản; tổ chức họp giao ban hàng năm với các nhà khoa học, với cơ quan thụ hưởng đề án, chủ nhiệm đề án để xem xét tính khả thi của đề án. Viện Khoa học pháp lý cũng cần chủ động phối hợp các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là các đơn vị xây dựng pháp luật để xác định được hướng đi trong công tác xây dựng pháp luật, từ đó chọn đề tài nghiên cứu cho phù hợp.
Để hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ tiếp tục được phát triển, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng cho rằng các đề tài nghiên cứu cần chú trọng tới tính ứng dụng đồng thời cần có cơ chế tài chính phù hợp để tạo động lực cho công chức, cán bộ tham gia. Còn Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Phạm Hồ Hương mong muốn nhận được sự tham gia, phản biện tích cực hơn nữa của Hội đồng khoa học, nhất là trong khâu xây dựng chính sách, xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh trong thực tế.
Đề nghị Viện Khoa học pháp lý nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định các đề tài nghiên cứu có phạm vi bao quát khá rộng, phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ của Bộ, ngành, nhất là khâu xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Công tác nghiên cứu khoa học năm 2018 đã chú trọng hơn tới việc đánh giá khả năng ứng dụng thực tiễn của các đề tài và huy động được đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học tham gia góp ý, phản biện.
|
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thắng thắn chỉ ra một số hạn chế trong công tác nghiên cứu khoa học năm vừa qua. Trong năm 2019, Bộ trưởng yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu các luận cứ khoa học và thực tiễn phụ vụ cho việc tổng kết, đánh giá 5 năm thi hành Hiến pháp 2013, tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị, Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các nhà khoa học trong và ngoài Bộ Tư pháp, các thành viên và tập thể Hội đồng khoa học Bộ trong việc tham gia xây dựng các đạo luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPP năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật Giám định tư pháp. Bộ trưởng cũng lưu ý cần nhận diện đầy đủ các vấn đề pháp lý dưới tác động của Cuộc cách mạng 4.0, tạo môi trường để khơi gợi đam mê, động lực cho cán bộ, công chức, viên chức trong nghiên cứu khoa học.