Tạo sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện quy hoạch tỉnh

(PLVN) - Ngày 16/5, Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự chủ trì của Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế Lê Đại Hải, Phó Chủ tịch hội đồng thẩm định.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế Lê Đại Hải, Phó Chủ tịch hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế Lê Đại Hải, Phó Chủ tịch hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp.

Thông tin tại cuộc họp, ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương trên cả nước tập trung mọi nguồn lực và khả năng triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và đạt được những kết quả nổi bật. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó, đã có 58/63 địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Đến ngày 06/05/2024, đã có 01 kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh được ban hành (Quảng Ninh); 05 kế hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được ban hành (Long An; Yên Bái; Hà Tĩnh; Lào Cai; Tuyên Quang), 21 kế hoạch đề xuất xin ý kiến góp ý. Căn cứ vào các quy định của Nghị định số 58/2023/ND-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các văn bản gửi chi tiết về các nội dung thuộc phạm vi quản lý của Bộ, gửi các địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch hiện quy hoạch tỉnh.

Ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như sau: Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh có nội dung mới, lần đầu tiên được quy định trong pháp luật về quy hoạch, tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thực hiện còn chậm dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện. Nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Quy hoạch bao gồm các danh mục dự án đầu tư công và kế hoạch sử dụng đất đến dẫn đến sự chồng chéo với quy định của pháp luật và pháp luật về đầu tư công. Nội dung của kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quy hoạch nhưng thẩm quyền của từng cấp lại được phân cấp nhiều quy định pháp luật có liên quan khác.

Qua tổng kết, nhiều địa phương đã báo cáo Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét phân cấp cho địa phương ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh để tạo sự chủ động cho địa phương và bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh. Do vậy, việc nghiên cứu phân cấp cho địa phương ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh là cần thiết nhằm giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quy hoạch.

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, Nghị quyết chỉ đề xuất 1 chính sách mới là phân cấp ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh. Theo đó, quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Chuyên viên chính, Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ nêu rõ: theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội chỉ có thẩm quyền ban hành Nghị quyết thí điểm, do vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng Nghị quyết thí điểm hoặc đưa nội dung phân cấp ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết này bởi theo Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ có thể ban hành Quyết định về việc phân cấp cho chính quyền địa phương.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Ninh Bùi Tuấn Anh.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Ninh Bùi Tuấn Anh.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Ninh Bùi Tuấn Anh cho rằng không nên xác định thời kỳ cụ thể trong phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết đồng thời lưu ý về việc nếu đã giao thẩm quyền cho địa phương quyết định việc xây dựng kế hoạch quy hoạch tỉnh thì nên để địa phương toàn quyền điều chỉnh nội dung này, cần bỏ bớt một số bước không cần thiết. Có như vậy mới thực sự đơn giản hóa quy trình, thủ tục trong hoạt động lập, ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; tạo sự chủ động cho địa phương và đảm bảo linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành.

Đại diện Bộ Ngoại giao.

Đại diện Bộ Ngoại giao.

Còn đại diện Bộ Ngoại giao đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tính tương thích của nội dung dự thảo Nghị quyết với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đại diện Bộ Tài chính đề nghị rà soát, bổ sung một số nội dung về nguồn lực để Nghị quyết sau khi ban hành có thể triển khai được ngay.

Đại diện Bộ Tài chính.

Đại diện Bộ Tài chính.

Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế Lê Đại Hải nhất trí về sự cần thiết đối với đề nghị xây dựng Nghị quyết đồng thời yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện nội dung chính sách phân cấp ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

Đọc thêm