Tạo thuận lợi tối đa cho người yêu cầu bồi thường

(PLO) -Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) do Bộ Tư pháp xây dựng có nhiều điểm đáng chú ý.

Đơn cử nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người yêu cầu bồi thường thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, Luật TNBTCNN quy định người yêu cầu bồi thường chưa phải nộp ngay các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường tại thời điểm nộp hồ sơ trong trường hợp người yêu cầu bồi thường chưa có hoặc chưa thể cung cấp được ngay các tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường của mình (điểm d khoản 1 Điều 41).

Theo đó, dự thảo Nghị định đã quy định sau khi cơ quan giải quyết bồi thường xem xét, xử lý hồ sơ và thụ lý hồ sơ, người giải quyết bồi thường có thể yêu cầu người yêu cầu bồi thường cung cấp tài liệu, chứng cứ làm cơ sở cho việc xác minh thiệt hại trong các trường hợp sau đây: Người yêu cầu bồi thường chưa cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại mà mình yêu cầu trong văn bản yêu cầu bồi thường; Người yêu cầu bồi thường đã cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng tài liệu, chứng cứ đó không đầy đủ hoặc không phù hợp với thiệt hại mà mình yêu cầu trong văn bản yêu cầu bồi thường; Người yêu cầu bồi thường đã cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng tài liệu, chứng cứ đó không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ (khoản 1 Điều 14).Tạo thuận lợi tối đa cho người yêu cầu bồi thường

Luật TNBTCNN đã quy định 02 hình thức phục hồi danh dự, đó là trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai và các bước cơ bản để thực hiện các hình thức này, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết các điều này. Theo đó, Nghị định đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn về các bước thực hiện 02 hình thức phục hồi danh dự nêu trên. 

Đối với việc trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai: Nghị định đã quy định cụ thể hơn về: Cách thức tổ chức thực hiện việc trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; Các bước tiến hành việc xin lỗi và cải chính công khai tại buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai.

Đối với việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai: Nghị định đã quy định cụ thể hơn về các bước và nội dung công việc mà Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thực hiện trong thời hạn Luật định để đăng báo xin lỗi và cải chính công khai cho người bị thiệt hại. Các quy định nói trên nhằm cụ thể hóa và giúp Luật thực hiện có hiệu quả trên thực tế, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm thực thi các quy định của Luật TNBTCNN, tạo điều kiện tốt nhất cho người bị thiệt hại./.

Đọc thêm