Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Làm ăn kém hiệu quả, lương lãnh đạo vẫn cao ngất ngưởng

(PLO) - Trong khi lương công nhân thấp, kinh doanh gặp khó khăn, nộp ngân sách nhà nước khiêm tốn nhưng một số lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận lương “khủng” hơn nửa tỷ đồng mỗi năm và mức lương này sẽ tiếp tục tăng lên.
Lương công nhân thấp, trong khi lãnh đạo Vinatex hưởng lương “khủng” mỗi năm. Ảnh minh họa
Lương công nhân thấp, trong khi lãnh đạo Vinatex hưởng lương “khủng” mỗi năm. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp gặp khó

Theo báo cáo mới nhất của Ban kiểm soát Vinatex, năm 2016, qua công tác kiểm tra giám sát nhận thấy, Ban Giám đốc Tập đoàn đã triển khai đồng bộ thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT), tuy nhiên do tình hình thị trường và các dự án mới đi vào hoạt động chưa hiệu quả, vì vậy các chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch Nghị quyết ĐHĐCĐ đề ra. Cụ thể, doanh thu đạt 92,3% kế hoạch, lợi nhuận chỉ đạt 60,9% kế hoạch.

Trước đó ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex thừa nhận, năm 2016 là một năm đầy khó khăn của Tập đoàn. Đầu năm 2016 dự báo trong năm sẽ thuận lợi cho xuất khẩu dệt may Việt Nam khi điều kiện trong nước và quốc tế đều có lợi, đặc biệt lúc đó Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chuẩn bị được ký kết. Thế nhưng đến khoảng tháng 5/2016, tình hình trở nên tồi tệ. Nước Anh là nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất Việt Nam trong khối EU nên việc nước này tuyên bố tách khỏi EU (Brexit) ngay lập tức tác động đến dệt may Việt Nam; nhiều đơn hàng bị đình trệ, khách hàng không tiếp cận được hàng dệt may của Việt Nam. Việc Tổng thống vừa đắc cử của Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP cũng khiến Vinatex chịu thiệt, ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng.

Theo Báo cáo tài chính quý IV/2016 của Vinatex, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV/2016 chỉ đạt gần 145 tỷ đồng, giảm 31,55% so với cùng kỳ năm 2015 (giảm gần 67 tỷ đồng). Cũng theo Tổng Giám đốc Vinatex, năm 2017 sẽ vẫn là năm khó khăn của Tập đoàn do ảnh hưởng thị trường tại các nước xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU và bị cạnh tranh gay gắt từ các nước đối thủ. Thực tế quý I/2017 cho thấy, giá trị xuất khẩu của Vinatex không đạt được như mong đợi.

Một bài toán nan giải bấy lâu nay của Vinatex là trình độ phát triển. Đa phần nguyên liệu cho Vinatex hoạt động là nhập khẩu từ nước ngoài; Tập đoàn này chủ yếu là gia công, sau đó xuất khẩu ra nước nước. Giá trị xuất khẩu nhiều tỷ đô la mỗi năm, nhưng thực chất giá trị được hưởng lại không nhiều. Do đó, đời sống công nhân chưa được cải thiện, mức lương khá thấp so với mặt bằng lương công nhân. 

Theo ông Vũ Việt Hùng - Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), nguyên phụ liệu của ngành Dệt may phải nhập khẩu từ 70 - 80%, trong đó nhập khẩu 90% bông nguyên liệu, 100% nhu cầu xơ sợi tổng hợp, 50% nhu cầu sợi bông và 80% vải khổ rộng, 90% các sản phẩm trung gian và phụ kiện, sợi, dệt, vải dệt kim phục vụ gia công xuất khẩu.

Lãnh đạo nhận lương “khủng”

Trong bối cảnh đó, Vinatex vẫn có kế hoạch tăng tiền lương cơ bản đối với HĐQT và Ban kiểm soát lên 0,8%. Theo đó, tiền lương và thù lao thực tế chi trong năm 2016 là 3,545 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2017, Tập đoàn sẽ chi 3,612 tỷ đồng để trả cho HĐQT (2,808 tỷ đồng) và Ban kiểm soát (804 triệu đồng).

Hiện tại, Vinatex có 7 thành viên HĐQT, bao gồm 4 thành viên chuyên trách, 3 thành viên không chuyên trách. 4 thành viên chuyên trách sẽ nhận thù lao 2,484 tỷ đồng. Như vậy trung bình mỗi người nhận được 621 triệu đồng/năm. Ông Trần Quang Nghị hiện là Chủ tịch HĐQT; ông Lê Tiến Trường là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Vinatex.

Dù hưởng mức lương cao ngất ngưởng nhưng ông Lê Tiến Trường tại ĐHĐCĐ thường niên Vinatex vừa diễn ra hôm 29/6 nói rằng, vấn đề tăng lương cho công nhân luôn khiến Tập đoàn gặp nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của PLVN, năm 2016 thu nhập bình quân người lao động trong Tập đoàn là 6,7 triệu đồng một người một tháng. Đây là con số trung bình, tức là có những công nhân lương tháng chưa được 5 triệu. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một công ty dệt may ở Nam Định (đơn vị trực thuộc Vinatex), một công nhân có thâm niên 10 năm, mới lên tổ trưởng nhưng lương tháng chỉ được 5 triệu đồng.

Trong bối cảnh đời sống công nhân trong Tập đoàn còn nhiều khó khăn, giá trị đóng góp cho ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, chưa có những biện pháp để Tập đoàn phát triển mạnh mẽ thì lãnh đạo Tập đoàn này nhận lương hàng tỷ đồng mỗi năm và có kế hoạch tăng lên sẽ khiến không ít công nhân và dư luận không đồng tình.

Thủ tướng nhắc tình trạng quản lí lương cao, công nhân lương thấp

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc Tập đoàn Dệt may 6 vấn đề, trong đó lưu ý phải đẩy mạnh cải cách hành chính nội bộ, tránh tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, bộ máy quản lý lương cao nhưng lương công nhân thấp.

Ngoài ra, Thủ tướng đặt vấn đề yêu cầu ngành May có giải pháp tốt để thay vì chỉ gia công thì phải tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, tránh tình trạng giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về thực tế không cao.

Đọc thêm