Tập đoàn Hoá chất Việt Nam “qua ải” tái cơ cấu

Theo quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2012 – 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn này vẫn được duy trì là Tập đoàn kinh tế nhà nước với 4 nhóm ngành, nghề kinh doanh chính và 2 nhóm ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính.

Theo quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2012 – 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn này vẫn được duy trì là Tập đoàn kinh tế nhà nước với 4 nhóm ngành, nghề kinh doanh chính và 2 nhóm ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính.

Trong đó, bốn nhóm ngành, nghề kinh doanh chính gồm sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hoá chất; công nghiệp chế biến cao su; sản xuất và kinh doanh hoá chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hoá dược.

Hai nhóm ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính là: tư vấn thiết kế công nghiệp hóa chất; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị hoá chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành hóa chất.

Theo lộ trình thực hiện từ nay đến 2015, Vinachem sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 2 doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hoá, Tập đoàn nắm giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ tại 5 doanh nghiệp. Trước mắt, giữ nguyên tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước đang nắm giữ đối với 5 công ty đã cổ phần hoá gồm Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Phân bón miền Nam, Phân bón Bình Điền, Phân lân nung chảy Văn Điển, Hóa chất Việt Trì.

Tập đoàn nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 13 doanh nghiệp, đồng thời nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ đối với 10 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước Tập đoàn nắm giữ tại 13 doanh nghiệp khác.

Vinachem cũng phải thoái hết vốn tại một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…

Đề án tái cơ cấu Vinachem cũng nhấn mạnh vào 7 nội dung chủ yếu của tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp với việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Việt Hưng

Đọc thêm