Thông tin cho biết, trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Đao-vông Phon-kẹo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đã làm việc với một số doanh nghiệp sở hữu mỏ than trữ lượng lớn tại Lào để bàn biện pháp cung ứng than dài hạn và ổn định cho Việt Nam.
Bộ trưởng Đao-vông khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để xuất khẩu than đá từ Lào sang Việt Nam, coi đây là một hướng đi mới trong hợp tác song phương, vừa giúp Lào tối đa hóa giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên, vừa giúp thương mại song phương phát triển bền vững.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng, các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà đầu tư phía Lào để gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng quặng, khoáng sản của Lào sang Việt Nam.
Hai Bộ trưởng nhất trí sẽ giao các đơn vị chức năng và doanh nghiệp liên quan của hai nước triển khai ngay các nội dung mà hai bên đã thống nhất, sớm đạt được các kết quả tích cực nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (05/9/1962 - 05/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2022).
Bên lề chuyến công tác tại Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã làm việc với Tập đoàn Phongsubthavy (PGC). PGC đang sở hữu mỏ than có trữ lượng lớn tại Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị PGC ưu tiên cung cấp nguồn than ổn định cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Phongsubthavy đã nhận lời và bày tỏ, ngoài việc cung cấp than cho Việt Nam, PGC còn mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khai thác các mỏ sắt, vàng, măng-gan và silicon.
Được biết, ngay sau các cuộc làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một Tập đoàn lớn của Việt Nam đã đạt được những tiến triển rất khích lệ trong việc mua khoảng 500.000 tấn than đá từ Lào.
Ngoài kết quả đạt được về nhập khẩu than, chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Công Thương còn góp phần thúc đẩy, phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án đường dây truyền tải, liên kết lưới điện giữa hai nước.
Được biết hiện Tập đoàn Phongsubthavy cũng đã triển khai đầu tư xây dựng 2 đường dây truyền tải điện trên lãnh thổ Lào để phục vụ đưa điện về Việt Nam. Các dự án đường dây này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022 để bảo đảm tiến độ cung ứng điện đã cam kết với Việt Nam. Tổng Công ty Điện lực quốc gia Lào cũng đang phát triển rất nhanh việc liên kết lưới điện với 27 điểm đấu nối để liên kết lưới với Việt Nam, Campuchia, Myanmar v.v…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị 2 Tập đoàn, Tổng công ty của Lào đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành sớm các dự án đường dây truyền tải, liên kết lưới điện với Việt Nam; Đồng thời rà soát, đánh giá lại các nguồn điện có thể cung cấp cho Việt Nam trước năm 2025 để làm cơ sở đề xuất Chính phủ hai nước xem xét tăng nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam một cách phù hợp
Tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký kết 18 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện của 23 dự án.