Tập đoàn Xi măng Công Thanh: Đòn bẩy xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình

(PLVN) - Năm 2019, tỉnh Thái Bình phấn đấu có 264/264 xã về đích nông thôn mới và có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2020, 6/6 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến tháng 6/2020, có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó có ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Nguyển Văn Phát (thứ 2 từ trái sang) – Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), cho biết: “Xi măng Công Thanh có màu sắc đẹp, chất lượng tốt, người dân Quỳnh Phụ chúng tôi yên tâm cho độ bền của những con đường nông thôn”

Chủ trương đúng đắn 

Về Thái Bình những ngày đầu tháng 4, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi diện mạo nông thôn nơi đây thay đổi rõ rệt. Không chỉ những con đường quốc lộ, tỉnh lộ phẳng lì, nhẵn bóng tới các tuyến huyện lộ, những con đường liên xã, liên thôn cũng đã được khoác lên mình tấm áo mới. Xe ô tô bon bon lướt nhanh trên con đường trải nhựa, bên đường rợp bóng cây thẳng tắp. Đường nhựa trải thảm vào tận tới từng ngõ ngách các thôn xóm.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ. Dừng xe trước trường tiểu học, trên con đường liên xã to rộng mới được hoàn thành năm 2018, ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã niềm nở tiếp chúng tôi, ông khoe ngay: “Các đồng chí nhà báo về đúng dịp toàn thể cán bộ xã đang họp báo cáo với huyện về thành quả kinh tế - xã hội của xã, trong đó phần lớn nhờ vào kết quả đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thông mới (NTM) của các cấp chính quyền và nhất là người dân, nên xã Quỳnh Xá mới có được bộ mặt như ngày hôm nay…”.

Ông Khánh cho biết, một trong các tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM đó là làm đường giao thông, thủy lợi vì nhu cầu kinh phí lớn. Đến thời điểm này, Quỳnh Xá vẫn chưa về đích nông thôn mới cũng bởi chưa hoàn thành tiêu chí giao thông. Hệ thống giao thông của Quỳnh Xá chưa đầy 10km đường giao thông nông thôn nhưng nhiều năm nay do kinh phí hạn chế nên việc bê tông hoá gặp nhiều khó khăn. 

Toàn xã hiện mới chỉ hoàn thiện 70% hệ thống đường làng, ngõ xóm. Từ năm 2013, thực hiện chủ trương của tỉnh, Quỳnh xá được cấp xi măng, phần thi công cũng như chi phí khác do nhân dân đóng góp đã được toàn thể nhân dân xã đều thống nhất, nhiệt tình ủng hộ. Đây chính là yếu tố then chốt giúp Quỳnh Xá chỉ trong thời gian ngắn đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt giao thông nông thôn.

“Nếu như trước đây, việc làm đường hoàn toàn phục thuộc vào ngân sách hoặc do dân tự đóng góp thì phải lâu lắm mới có con đường bê tông mới. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh, nút thắt gần như được tháo gỡ hoàn toàn. Có thể nói đây là quyết sách đúng đắn của cấp trên giúp bộ mặt nông thôn thay đổi”, ông Khánh chia sẻ.

Cũng giống như Quỳnh Xá, An Vinh cũng là xã điểm của huyện Quỳnh Phụ được “thay da đổi thịt” từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Công Liêm, Chủ tịch UBND xã An Vinh cho biết,  từ năm 1994, An Vinh đã phát động phong trào cải thiện đường làng ngõ xóm. Tuy nhiên, gần 20 năm, mặc dù nhiều đường làng ngõ xóm được làm từ nguồn lực của nhân dân nhưng những con đường này vẫn không đảm bảo chất lượng cũng như quy mô do kinh phí có hạn. Nhân dân rất nhiệt tình ủng hộ công sức, tiền của nhưng việc bê tông hoá 100% đường giao thông nông thôn vẫn là mơ ước xa vời. Từ khi có chủ trương tỉnh cấp xi măng, nhân dân đóng góp chi phí thi công, những con đường mới đã được hoàn thành nhanh chóng. 

“Từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã nhận được hơn 6 ngàn tấn xi măng do tỉnh cấp. Từ số xi măng trên cùng với công sức của nhân dân, chúng tôi đã hoàn thiện bê tông hoá 11km đường trục thôn, hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn trong thời gian ngắn. Đường làng ngõ xóm được bê tông hoá, cộng thêm nguồn vật tư là xi măng chất lượng tốt nên bộ mặt nông thôn vài năm gần đây đã thay đổi rõ rệt”, ông Liêm phấn khởi nói.

Những con đường nông thôn ở xã An Vinh thoáng, đẹp hơn để đón chào các Lễ hội trong năm 2019

Thành tích đáng ghi nhận

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phát, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết, với quyết tâm xây dựng nông thôn mới hiệu quả, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về bổ sung một số nội dung của Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND đã phát huy tối đa các nguồn lực thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đã đồng thuận, phát huy nội lực tổ chức thực hiện, từng bước tạo cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Theo Quyết định số 19, tất cả các xã, thôn và cộng đồng dân cư trong tỉnh đều được hỗ trợ xi măng để xây dựng kết cấu hạ tầng NTM. Đây là đòn bẩy, tạo ra bước đột phá trong tư tưởng, huy động được sự đồng thuận, vào cuộc của toàn dân. 

Ông Phát cho biết thêm, khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Quỳnh Phụ xác định có nhiều khó khăn. Trong đó đầu tư cho cơ sở hạ tầng được xem là quan trọng nhất, muốn đạt được các tiêu chí này, đòi hỏi ở địa phương phải có nguồn kinh phí lớn. Tuy nhiên, từ chủ trương hỗ trợ xi măng của tỉnh, các cơ sở đã phát huy được sức mạnh toàn dân, góp phần tích cực để về đích sớm. 

Bên cạnh đó, từ tháng 9 năm 2016, Tập đoàn Xi măng Công Thanh đã liên danh với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (tỉnh Thái Bình) để thực hiện chương trình cung cấp xi măng phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Chương trình này do Quỹ đầu tư phát triển Thái Bình đại diện UBND tỉnh Thái Bình ký hợp đồng với Liên danh Hải Hà - Công Thanh.

“Việc lựa chọn những nhà cung cấp xi măng tin cậy, uy tín như Công Thanh là yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng công trình, đường giao thông, góp phần tích cực hoàn thành mục tiêu NTM trong thời gian ngắn nhất”, ông Phát chia sẻ.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, Quỳnh Phụ đã có 28/36 xã đạt chuẩn NTM, năm 2018, 3 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM. Về Quỳnh Phụ hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước một diện mạo mới của những con đường liên thôn, liên xóm đã được trải bê tông phẳng phiu, rộng rãi. Những con đường mới như nối dài thêm những niềm vui, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Đường vào thôn Lạc Cổ, xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ ngày nay

Ông Trần Xuân Đôn, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà cho biết: Cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh là động lực mạnh mẽ, là kim chỉ nam dẫn đường, thúc đẩy phong trào, tinh thần của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, quyết tâm thực hiện các tiêu chí. Chính vì vậy, vừa qua, Bắc Sơn đã phấn đấu về đích NTM. Đến nay, xã đã bê tông hóa được 17 km đường giao thông trục xã, trục thôn và nhánh cấp I.

Trên con đường mới được cứng hóa bê tông sạch đẹp, bà Nguyễn Thị Năm, cùng nhân dân thôn xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ đang tích cực trồng cây hai bên đường để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Trong không khí khẩn trương, bà Năm vui vẻ cho biết: Trước đây, con đường này còn gồ ghề, nhỏ, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Nay đường đã được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, đi lại thuận tiện, chúng tôi phấn khởi lắm. Cũng nhờ cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, sự ủng hộ, đóng góp ngày công lao động của người dân trong thôn mà con đường này trở nên đẹp hơn, thênh thang hơn.

Có thể thấy, cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh là chủ trương, giải pháp kịp thời, đúng đắn, hợp lòng dân, là đòn bẩy thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong nhân dân để xây dựng NTM. Đi trên những con đường đã được cứng hóa khang trang, những trụ sở được xây mới, những nhà văn hóa được tu sửa, chỉnh trang, những trường học to đẹp… mới thấy hết được hiệu quả từ chủ trương này của tỉnh Thái Bình.

Đọc thêm