Qua gần 4 năm thi hành, các quy định của Thông tư 19 đã đi vào thực tiễn và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Có điều quá trình tập sự hành nghề LS cũng phát sinh một số trường hợp vướng mắc cụ thể cần xử lý để đảm bảo chất lượng của hoạt động này.
Theo Cục Bổ trợ tư pháp, những kết quả đó là tại một số địa phương việc đăng ký tập sự, giám sát quá trình tập sự đã được thực hiện tương đối đúng quy định của pháp luật; số lượng người tập sự hành nghề LS gia tăng nhanh trong những năm gần đây (hiện nay có hơn 5.000 người tập sự). Điều này cho thấy sức hút của nghề LS cũng như quá trình tập sự hành nghề LS. Việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS đã được chuyển giao từ Bộ Tư pháp sang cho Liên đoàn LS Việt Nam. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ này, Liên đoàn LS Việt Nam đã có nhiều cố gắng để việc tổ chức kiểm tra được bài bản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, với sự phát triển số lượng tập sự hành nghề nhanh như vậy thì việc quản lý đối tượng nay đã và đang bộc lộ những vấn đề thực tiễn cần được điều chỉnh một cách cụ thể hơn. Đồng thời việc chuyển giao nhiệm vụ tổ chức kiểm tra tập sự hành nghề LS từ Bộ Tư pháp sang Liên đoàn LS Việt Nam cũng cho thấy cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn tạo điều kiện để Liên đoàn LS Việt Nam thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được Luật LS giao.
Theo phản ánh từ các địa phương và các đoàn kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù việc đăng ký tập sự hành nghề LS đa phần được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Song trên thực tế, Bộ Tư pháp đã phát hiện một số trường hợp không đủ điều kiện tập sự hành nghề LS vẫn được tổ chức hành nghề, đoàn LS tiếp nhận tập sự; Liên đoàn LS Việt Nam cho tham dự kiểm tra. Điều này đã gây khó khăn cho việc thẩm tra hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề LS và giải quyết khiếu nại, tố cáo về quá trình tập sự.
Bên cạnh đó, việc giám sát tập sự hành nghề LS đã được một số đoàn LS quan tâm thực hiện nhưng vẫn còn tồn tại hiện tượng “đánh trống ghi tên” trong quá trình tập sự, dẫn đến việc tập sự hành nghề LS tại các địa phương đó chưa được thực hiện nghiêm túc và chưa hiệu quả.
Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý thời gian qua, nhất là việc xử lý một số trường hợp vướng mắc cụ thể liên quan đến quá trình tập sự hành nghề LS, tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS để đảm bảo chất lượng hoạt động tập sự hành nghề LS cũng như tổ chức kiểm tra tập sự hành nghề LS, Cục Bổ trợ tư pháp cho rằng cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 19. Một trong những nội dung sửa đổi là sẽ siết chặt những trường hợp được đăng ký tập sự, trường hợp không được tập sự, tạm ngừng, chấm dứt việc tập sự hành nghề LS.
Theo đó, làm rõ các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không được tập sự hành nghề LS; bổ sung trường hợp người tập sự phải chấm dứt việc tập sự hành nghề LS khi thuộc trường hợp không được tập sự hành nghề LS tại thời điểm đăng ký tập sự.
Ngoài ra, để tăng cường trách nhiệm của tổ chức hành nghề LS, đoàn LS đối với việc tập sự hành nghề LS, khắc phục tình trạng tiếp nhận người không đủ điều kiện vào tập sự, quy định về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề, đoàn LS nhận tập sự cũng dự kiến được bổ sung.
Cụ thể là tổ chức hành nghề LS nhận tập sự có trách nhiệm gửi Sở Tư pháp, Đoàn LS nơi có trụ sở danh sách những người đã hoàn thành thời gian tập sự, chưa hoàn thành thời gian tập sự hoặc đã chấm dứt việc tập sự tại tổ chức mình, kèm theo nhận xét, đánh giá quá trình tập sự và bản sao Sổ nhật ký quá trình tập sự của người đó trong thời gian tập sự tại tổ chức mình chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày người tập sự hết thời gian tập sự hoặc chấm dứt quá trình tập sự.
Đoàn LS có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đăng ký tập sự bảo đảm chỉ người có đủ tiêu chuẩn tập sự mới được tập sự hành nghề LS.