Tập trung các giải pháp kích thích tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - GDP tăng 4,48% trong quý đầu tiên của năm 2021, mặc dù cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng mức độ phục hồi của nền kinh tế không như kế hoạch. Kịch bản tăng trưởng nào cho các quý tiếp theo để đặt mục tiêu đã đề ra?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng trưởng GDP quý II/2021 phải trên 7%

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, với tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, tuy cao hơn mức tăng trưởng dự báo trong Báo cáo tháng 1/2021 nhưng vẫn thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.

Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì quý II/2021 GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý III cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07 điểm phần trăm) và quý IV cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49 điểm phần trăm).

“Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới và trong nước đã rõ ràng hơn, do vậy ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế…”- Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh việc mua và triển khai tiêm vaccine Covid-19, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, Bộ trưởng đề nghị tập trung theo dõi sát diễn biến của các thị trường tiềm ẩn rủi ro (Giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông; Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; Giám sát các tổ chức tín dụng có các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; Theo dõi thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Tăng cường giám sát biến động của thị trường chứng khoán, chống thao túng giá, phòng ngừa rủi ro tăng nóng của thị trường...) 

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị, cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm bớt việc phụ thuộc vào một thị trường.  Tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước…

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước chính là tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần đặc biệt quan tâm, chú ý và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư từ tất cả các nguồn vốn, trong đó có các dự án đầu tư công. 

HSBC hạ dự báo tăng trưởng

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á mang tên “Vẫn nằm trong tầm ngắm” vừa được HSBC công bố, các chuyên gia của HSBC đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I/2021 đạt được phần lớn là nhờ các hoạt động đối ngoại.

Cụ thể, xuất khẩu trong quý I/2021 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu đối với các mặt hàng thiết bị điện tử và máy móc tăng. Đặc biệt, xuất khẩu đã được hưởng lợi từ một chu kỳ công nghệ toàn cầu gia tăng mạnh mẽ và sự quan tâm dành cho các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra khá ổn định. Trong khi đó, các chỉ số thường kỳ cũng chỉ ra rằng lĩnh vực sản xuất truyền thống cũng xuất hiện những dấu hiệu phục hồi mới. Xu hướng đáng khích lệ này sẽ tiếp tục đi song song với việc nhu cầu toàn cầu được cải thiện.

Trái ngược với khả năng phục hồi từ bên ngoài, HSBC đánh giá, chuyển biến của nhu cầu trong nước vẫn còn khá đình trệ do việc tái áp dụng các biện pháp ngăn cách xã hội nghiêm ngặt bị kéo dài. Trên thực tế, các chỉ số thể hiện việc di chuyển đi lại của người Việt Nam đã giảm xuống, dẫn đến tăng trưởng dịch vụ bị giảm sút. Cùng với những lo ngại liên tục về thị trường lao động yếu kém, dữ liệu thu được nhiều khả năng chỉ ra mức tiêu thụ chậm lại.

“Tuy nhiên, khi làn sóng bùng phát dịch lần thứ ba đã được kiểm soát, nhu cầu trong nước có khả năng sẽ hồi sinh trong thời gian tới”, HSBC dự báo. Với diễn biến kinh tế quý I/2021, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa điều chỉnh giảm tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống còn 6,6%, thấp hơn mức 7% mà HSBC đưa ra vào đầu tháng 3/2021. 

Các chuyên gia của HSBC cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực củng cố tài khóa trong năm 2021 và đưa ra dự báo thâm hụt tài khóa sẽ giảm từ 5,2% GDP trong năm 2020 xuống còn 4,7% vào năm 2021, đưa nợ công xuống dưới 60% GDP…

Đọc thêm