Tập trung giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng

(PLO) - Tổng cục Thi hành án dân sự vừa ban hành kế hoạch kèm theo quyết định thực hiện Chương trình hành động của ngành Tư pháp, trong đó có nội dung “Tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng”.
Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch, tiếp tục kiện toàn, thành lập mới Tổ chỉ đạo xử lý nợ xấu. Trên cơ sở Tổ chỉ đạo thi hành án đã được thành lập theo Kế hoạch số 1646/KH-TCTHADS ngày 04/7/2013 của Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự chỉ đạo rà soát, kiện toàn hoặc thành lập mới Tổ chỉ đạo xử lý nợ xấu, tạo điều kiện tối đa để Tổ chỉ đạo thi hành án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Khi giải quyết các vụ việc, Tổ chỉ đạo thi hành án có thể đề nghị đại diện của tổ chức tín dụng tham gia.

Tại Tổng cục Thi hành án dân sự kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; tham mưu, giúp Lãnh đạo Tổng cục triển khai, kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện các nội dung trong kế hoạch.

Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn thường xuyên rà soát số vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng; thống kê số liệu, trong đó xác định chính xác số vụ việc có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành; định kỳ báo cáo, trong đó có nhận xét, đánh giá tổng thể và đề xuất biện pháp giải quyết các vụ việc phải thi hành án khó khăn, phức tạp mà tổ chức tín dụng là người được thi hành án.

Trong công tác phối hợp, chỉ đạo, Tổng cục yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự địa phương chủ động phối hợp với tổ chức tín dụng tại địa phương triển khai, rà soát, thống kê, tổng hợp, tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành án theo kế hoạch này. Đối với những vụ việc không có điều kiện thi hành, cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với tổ chức tín dụng kiểm tra, rà soát, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự về chủ trương xử lý.

Về phía Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm: Phối hợp với các tổ chức tín dụng trung ương triển khai thực hiện kế hoạch và chỉ đạo chi nhánh tổ chức tín dụng ở địa phương phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án; phối hợp với các tổ chức tín dụng trung ương tìm giải pháp giải quyết án tồn đọng (như đề nghị tổ chức tín dụng nhận tài sản để thi hành án nếu tài sản không bán được, phải giảm giá nhiều lần.

Đồng thời, cần có những biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định như có cơ chế miễn, giảm lãi suất cho người phải thi hành án)... nhằm tạo điều kiện cho việc thi hành án dứt điểm; kiểm tra, chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương tập trung tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành để nhanh chóng thu hồi nợ xấu cho tổ chức tín dụng; chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan thi hành án dân sự trong khi tổ chức thi hành án để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. 

Trong công tác tổ chức thi hành án, Cục và Chi cục Thi hành án dân sự ngoài việc thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp về phối hợp trong công tác thi hành án dân sự thì Cục có trách nhiệm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Chi cục. Đối với những vụ việc có giá trị thi hành lớn, phức tạp, tài sản thi hành án ở nhiều địa bàn thì Cục phải rút lên để tổ chức thi hành. Lãnh đạo Cục tập trung chỉ đạo tại một số địa bàn, một số vụ việc trọng điểm để từ đó có kinh nghiệm nhân rộng ra toàn địa phương.

Kế hoạch cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Tổng cục và các Cục Thi hành án dân sự. Trong đó, Tổng cục sẽ tiến hành kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác xử lý các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo quy định.

Đọc thêm