Nhận diện các nguyên nhân chủ quan
Thông tin về một số kết quả công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) 6 tháng đầu năm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cho biết, mặc dù lượng việc phải thi hành có giảm không đáng kể nhưng lượng tiền phải thi hành vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 10,9%).
|
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm |
Tuy nhiên, các cơ quan THADS địa phương đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để duy trì kết quả tổ chức thi hành án tương đương cùng kỳ năm 2020. Số việc thi hành án hành chính xong tăng so với cùng kỳ năm 2020; kỷ luật, kỷ cương trong toàn Hệ thống ngày càng được tăng cường.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như: giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng, ngân hàng, án kinh tế, tham nhũng; công tác phối hợp trong xử lý những vụ án lớn; công tác tổ chức cán bộ; vấn đề về nêu gương, giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ công chức, cán bộ của hệ thống…
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc đặc thù trong công tác THADS; đồng thời, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của toàn Hệ thống THADS trong thời gian qua.
|
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng đã thắng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác THADS như: kết quả 6 tháng giảm so với cùng kỳ năm 2020; sự phối hợp, điều hành trong hệ thống có lúc còn thiếu nhịp nhàng; chất lượng, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ vẫn còn chưa đạt yêu cầu; công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ còn chậm… Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục THADS, các cơ quan THADS địa phương cần tập trung làm rõ các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan để có biện pháp khắc phục kịp thời.
|
Thứ trưởng Mai Lương Khôi kết luận hội nghị |
Từ nay đến hết năm 2021, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo công tác THADS sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức với nhiều vụ việc phải thi hành giá trị lớn, tính chất pháp lý ngày càng phức tạp; phát sinh nhiều vấn đề mới như xử lý tài sản là cổ phần, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai; nhiều vụ việc giá trị thi hành lên đến hàng trăm tỷ đồng; phát sinh tranh chấp giữa các doanh nghiệp… Những vấn đề đặt ra trên, đòi hỏi toàn Hệ thống THADS phải nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay để có giải pháp thích hợp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Phát huy vai trò “đầu tàu” của Tổng cục THADS
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng yêu cầu toàn hệ thống cần quán triệt, triển khai hiệu quả nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII liên quan đến công tác tư pháp và công tác THADS; đồng thời bám sát phương châm hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026: “đoàn kết, thống nhất, liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hành động thiết thực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong hành động xây dựng Chính phủ số, kinh tế-xã hội số; Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí một cách có hiệu quả“ trong tổ chức thực hiện các mặt công tác của cơ quan, đơn vị.
Lãnh đạo Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục và Thủ trưởng cơ quan THADS các cấp phải phát huy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án. “Tổng cục phải làm gương và chỗ dựa cho các Cục THADS, các Cục phải làm gương cho các Chi cục đồng thời chúng ta phải nhớ rõ các bài học rút ra từ sự thiếu gương mẫu, buông lỏng trong quản lý”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Các cơ quan THADS địa phương cần tập trung rà soát các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác, thi hành hiệu quả án kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát; nhất là thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW. Bởi theo Thứ trưởng, nếu thi hành hiệu quả các án này, hệ thống THADS sẽ đạt được mục tiêu kép đó là vừa hoàn thành nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao vừa vừa hoàn thành chỉ tiêu về tiền.
Cùng với đó, tiến hành rà soát án tín dụng, ngân hàng, khắc phục tình trạng chậm bán đấu giá tài sản, tài sản bán nhiều lần không thành, bán thành nhưng không giao được, ảnh hưởng tới kết quả thi hành án. Nếu để xảy ra tiêu cực, vi phạm trong công tác này, các Cục trưởng, Chi cục trưởng phải chịu trách nhiệm.
Thứ trưởng đề nghị Tổng cục THADS phát huy vai trò là cơ quan quản lý, là “đầu tàu” của Hệ thống. Nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tạo điều kiện cho các cơ quan THADS hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Kịp thời kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo các cơ quan THADS, nhất là các địa bàn lớn, trọng điểm; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ Chấp hành viên, công chức THADS thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới hiện nay.
Đối với công tác THAHC, các cơ quan THADS cần làm hết trách nhiệm theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, Nghị định 71/2016/NĐ-CP về thi hành án hành chính; chủ động tăng cường phối hợp với địa phương để thúc đẩy kết quả THAHC tốt hơn.
Các cơ quan THADS quyết liệt chỉ đạo, tổ chức giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là các vụ giá trị lớn, phức tạp, án tín dụng, ngân hàng và các khoản thu cho ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội, phấn đấu lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống THADS 19/7/2021.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân. Tăng cường đối thoại trực tiếp, giải quyết triệt để các khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo vượt cấp làm phức tạp tình hình, giúp người dân nắm bắt được đầy đủ quy định pháp luật, chấp hành pháp luật và tự nguyện thi hành án.
Thứ trưởng cũng khẳng định Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, hỗ trợ các cơ quan THADS hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ.