Lãi 11-12% trên vốn chủ sở hữu
Tasco và ông chủ của Tasco - ông Phạm Quang Dũng được báo chí gọi là “ông trùm” BOT, bởi đây là DN làm sớm và làm nhiều dự án đường bộ theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) từ miền Bắc cho tới khu vực Bắc miền Trung.
Qua dự án của Tasco và một số dự án của nhà đầu tư khác, nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư BOT đường bộ bây giờ đang “hốt bạc”, bởi sau khi rải xong đường, dựng xong trạm..., chủ nhân các dự án yên trí ngồi trong cabin đếm xe, thu tiền cho tới khi hết hạn hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải mới thôi?
Về vấn đề này, Chủ tịch Tasco Phạm Quang Dũng mới đây đã lên tiếng khẳng định, đối với các Dự án BOT lãi chỉ từ 11-12% trên vốn chủ sở hữu. Nhấn mạnh con số trên, “ông trùm” BOT đại ý muốn khẳng định, Tasco không thể “ăn dày”, không thể “hốt bạc” như mọi người vẫn nghĩ về các Dự án BOT mà DN này bỏ vốn đầu tư tại Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình...
Không những thế, Tasco còn “nói có sách mách có chứng” khi cho công bố bản Báo cáo tài chính (đã được kiểm toán) trong 2 năm gần đây và quý I/2016 để trả lời câu hỏi của dư luận rằng: Nguồn thu chính của Tasco đến từ đâu?
Cụ thể, theo phân tích từ Báo cáo tài chính hợp nhất của Tasco, có thể thấy cơ cấu doanh thu các trạm thu phí đường bộ để hoàn vốn cho các Dự án BOT của DN chỉ chiếm 3,7% trong năm 2014 - một tỷ trọng được đánh giá là khá thấp. Chỉ từ quý III/2015, khi Tasco tăng thêm 1 trạm thu phí BOT trên QL1 đoạn qua Quảng Bình thì doanh thu các trạm thu phí đường bộ của Tasco mới tăng lên trong quý I/2016, nhưng nó cũng chỉ chiếm 16,6% trong tổng doanh thu của DN.
Ngoài ra, con số trong Báo cáo tài chính của Tasco còn cho biết, lợi nhuận từ các trạm thu phí đường bộ thực tế chỉ chiếm 2,2% năm 2014, năm 2015 là 12,7% và đến quý I/2016 mới nhích lên 17% trong tổng lợi nhuận của DN. Trên thực tế, lĩnh vực tạo nguồn thu chính và được đánh giá là ngành nghề làm ăn phát đạt của Tasco là kinh doanh bất động sản, có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế cao hơn nhiều lần so với lĩnh vực BOT đường bộ, với các chỉ số lần lượt qua các năm: 0,1%(2014), 43,6% (2015) và 82,3% (quý I/2016).
“Có thể nói, với 3 trạm thu phí của Tasco thì chưa phải là con số đủ hấp dẫn để nói rằng, Dự án BOT mang lại lợi nhuận quá cao cho DN”, đại diện truyền thông Cty CP Tasco khẳng định.
Thu phí tự động sẽ minh bạch hóa nguồn thu
Số thu và nguồn thu đang là hai “từ khóa” được đề cập khá nhiều mỗi khi nói tới các Dự án BOT. Bởi số thu không rõ ràng, người dân và Nhà nước sẽ thiệt hại, trong khi chủ đầu tư bị nghi ngờ đã “đút túi” nhiều hơn những gì họ đáng được hưởng. Nhưng nếu ứng dụng công nghệ thu phí tự động không dừng (ETC) thì những tồn tại, nghi ngại nói trên sẽ được giải quyết.
Trong lĩnh vực này, Tasco không chỉ là DN đầu tư các dự án đường bộ mà còn là đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao triển khai phát triển dịch vụ thu phí tự động không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14). Theo đó, đến thời điểm này, Liên danh Tasco - VETC đã lắp đặt chuyển giao công nghệ thu phí tự động hoàn chỉnh tại trạm BOT QL1 đoạn qua Quảng Bình và trạm BOT QL14 đoạn qua Đắk Nông; sắp tới, sẽ ứng dụng tại trạm BOT của Cienco4 - Tổng Cty 319 trên QL1 đoạn qua Nghệ An.
Trước đó, trong tháng 5/2016, liên danh này cũng đã tổ chức thành công khóa huấn luyện dán thẻ E-Tag (thẻ định danh) và mở tài khoản giao thông cho gần 40 Trung tâm Đăng kiểm ở khu vực phía Bắc để tiến tới áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng trên toàn quốc từ tháng 7/2016.
Trao đổi với PLVN, đại diện Tasco từng khẳng định, nếu có đơn vị khác cũng tham gia thực hiện hệ thống thu phí tự động, DN này sẵn sàng hợp tác, chia sẻ và thỏa thuận nhằm đảm bảo mục tiêu cuối cùng là đem lại một dịch vụ thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng và đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư BOT.
Ông Phạm Quang Dũng |
“Hệ thống thu phí tự động không dừng được thực hiện hoàn toàn bằng các trang thiết bị máy móc hiện đại trên thế giới với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, đem lại độ chính xác cao. Tất cả các số liệu, thông tin dữ liệu thu phí được lưu trữ vĩnh viễn, các hình ảnh của phương tiện đi qua trạm cũng được lưu trữ tối thiểu trong 5 năm và video toàn cảnh trạm thu phí tự động được lưu trữ tối thiểu là 1 năm góp phần tạo sự minh bạch trong thu phí đường bộ.”, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco.