Tất cả khó khăn phải được tháo gỡ để khơi dậy tiềm năng phát triển ngành nghề nông thôn

(PLVN) - Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn chính là khơi dậy tiềm năng cho ngành ngành nghề nông thôn phát triển và sau 2 năm triển khai, Bộ muốn lắng nghe từ địa phương với mục tiêu tất cả các khó khăn, vưởng mắc phải được tiếp thu, thảo gỡ…
Tháo gỡ khó khăn để khơi dậy tiềm năng phát triển ngành nghề nông thôn.
Tháo gỡ khó khăn để khơi dậy tiềm năng phát triển ngành nghề nông thôn.

Doanh thu tăng hơn 20%

Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (Nghị định 52) sáng nay - 23/11, trong giai đoạn 2018 - 2020, các bộ ngành, địa phương đã triển khai 60 mô hình, dự án thí điểm về phát triển ngành nghề nông thôn và 100 mô hình thuộc Chương trình khuyến công Quốc gia; Mở các lớp tập huấn cho 500 cán bộ quản lý Nhà nước về ngành nghề nông thôn, 800 lao động tại các cơ sở công nghiệp nông thôn, đồng thời, đào tạo khởi nghiệp cho hơn 5.700 học viên…

Toàn cảnh hội nghị.
 Toàn cảnh hội nghị.

Nhờ sự vào cuộc chủ động của các bộ ngành, địa phương, đến năm 2020, cả nước có trên 817.000 cơ sở cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề nông thôn, trong đó có 9.459 doanh nghiệp (DN), 3.382 hợp tác xã (HTX), 6.553 tổ hợp tác và trên 797.600 hộ gia đình; tăng 119.000 cơ sở so với năm 2017 - thời điểm trước khi có Nghị định 52.

Chia theo 7 nhóm nghề quy định tại Nghị định 52, nhóm sản xuất sản phẩm thủ công, mây tre đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, sợi, theo ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc chiếm số lượng lớn nhất với 35,3% tổng số cơ sở. Tiếp đến là nhóm các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 24,1%; Nhóm bảo quản, chế biến nông lâm thuỷ sản 23%; Nhóm sản xuất hàng mỹ nghệ 8,1%; Nhóm sản suất và kinh doanh sinh vật cảnh 4,7%; Nhóm xử lý chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 4,1%: Và nhóm sản xuất muối chiểm 0,8%.

Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (tương ứng 20,5%) so với năm 2017. Số lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn là trên 2,3 triệu người, tăng 300.000 lao động só với năm 2017. Thu nhập bình quân đạt 4 – 5 triệu đồng/lao động/tháng, cao gấp hơn 2 lần lao động thuần nông.

Báo cáo cũng cho biết. mức độ tăng trưởng về kim ngạch và thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm làng nghề khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017. Hiện hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu…

Đồng hành cùng phát triển

Phát biểu tai Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Việt Nam là nước đi lên từ ngành kinh tế nông nghiệp và mỗi giai đoạn, Đảng, Chính phủ đều có chủ trương quyết sách nhắm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đáng chú ý là Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. “Đây là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt’- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NNN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
   Bộ trưởng Bộ NNN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Từ Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mà Nghị định 52 là một trong số đó. “Tiền thân của Nghị định 52 này là Nghị định 66/2006/NĐ-CP. Nghị định này chưa rõ ràng về chủ thể, tránh nhiệm của các Bộ ngành... Nghị định 52 lần này đã nói rõ 7 ngành nghề khơi dạy tiềm năng, trong đó có ngành nghề sinh vật cảnh mà trước đây cho là trang trí, nay là nghề làm giầu. Nghị định  52 cũng nói rõ 8 bộ làm gì, đặc biệt xác định chủ thể UBND tỉnh là người có quyết định tối cao, quyết định nội dung, nội hàm phát triển ngành nghề gì ở địa phương mình…” -  Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Sau 2 năm triển khai Nghị định 52, theo Bộ trưởng cùng với đà phát triển của đất nước, của chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP, rất nhiều việc đã làm được, nhiều ngành nghề nông thôn phát triển, đời sống của người dân nông thôn đã được nâng cao rõ rệt.  

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn vưởng mắc, cả về cơ chế, cả thực hiện, chỉ đạo... “Nghị định 52 đã nói rõ ưu tiên đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại... để phát triển các làng nghề, nhóm nghề truyền thống. Nhưng nhiều nội dung có làm được đâu? Tại sao cùng một nền cơ chế như thế, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt?” - Bộ trưởng trăn trở. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh mục tiêu sau Hội nghị này là tất cả các khó khăn, vướng mắc phải được tiếp thu, tháo gỡ. “Cần chỉ rõ đâu là trách nhiệm của Chính phủ, đâu là tránh nhiệm của địa phương, đâu là vướng mắc mà Bộ NN&PTNT cần tiếp thu để báo cáo Chính phủ; đâu là rào cản ngăn trở sự vươn lên của các DN, doanh nhân, HTX và người dân trong phát triển làng nghề?" - Bộ trưởng yêu cầu và đề nghị cả Chính phủ, địa phương, các Bộ ngành, DN và người dân đồng hành để ngành nghề nông thôn phát triển, bởi nó không chỉ là kinh tế mà còn là an sinh xã hội, là văn hóa, nét đẹp truyền thống…

Đọc thêm