Tàu ngầm Việt Nam trước giờ thượng cờ lịch sử

(PLO) - Hôm nay (3/4), tại Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) diễn ra Lễ thượng cờ cấp quốc gia cho tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP.Hồ Chí Minh. Có thể nói, Quân và Dân cả nước  đều náo nức đón chào giây phút trang trọng này.
Luyện tập chuẩn bị cho Lễ thượng cờ cấp quốc gia
Sáng qua (2/4), Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân – đã cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân có mặt tại Lữ đoàn 189 kiểm tra công tác chuẩn bị cho Lễ thượng cờ cấp quốc gia tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP.Hồ Chí Minh. 
Trên gương mặt của những người lính biển nơi đây tràn đầy niềm tự hào, phấn khởi, tự tin. Lẫn trong tiếng sóng, tiếng gió là những bước chân hối hả, tiếng khẩu lệnh rền vang. 
Hừng hực quyết tâm trước “giờ G”
Thượng tá Trần Thanh Nghiêm - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 - đã báo cáo với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến về công tác chuẩn bị của đơn vị. Theo đó, 100% cán bộ, chiến sỹ đều phát huy tinh thần, trách nhiệm của người thủy thủ, tập trung trí tuệ, đầu tư thời gian cho công tác huấn luyện, xây dựng và chuẩn bị Lễ thượng cờ cấp quốc gia. 
Đại tá Chu Ngọc Sáng - Chính ủy Lữ đoàn - cho biết: “Tuy khối lượng công việc khá lớn, đội ngũ cán bộ các cấp chưa đầy đủ so với biên chế song mỗi cán bộ, chiến sỹ trong toàn Lữ đoàn đều quán triệt tốt tình hình nhiệm vụ, xác định rõ quyết tâm, sẵn sàng vượt khó để phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. 
Mục tiêu của đơn vị đặt ra là mỗi cá nhân phải từng bước tôi luyện ý chí sắt đá, lòng quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, xứng đáng với tinh thần “Trung thành đặc biệt, kỷ luật chinh quy, tinh nhuệ đi đầu, an toàn tuyệt đối”.
Sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị và quan sát đội hình tập duyệt cho Lễ thượng cờ ngay tại Quân cảng Cam Ranh, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến đánh giá cao sự cố gắng vượt bậc của tập thể cán bộ, chiến sĩ toàn Lữ đoàn trong  việc triển khai toàn diện mọi mặt về công tác chuẩn bị của Lữ đoàn. 
Đô đốc  yêu cầu từ nay cho đến kết thúc Lễ thượng cờ, Lữ đoàn cần tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Thời gian tới, đội ngũ cán bộ, thủy thủ cần đẩy mạnh công tác học tập, huấn luyện đạt kết quả tốt để từng bước làm chủ vũ khí trang bị hiện đại…
Khả năng tác chiến ưu việt 
Tàu ngầm Kilo với hành trình tối đa khoảng 9.600km, sẽ có khả năng tiếp cận tấn công các căn cứ hải quân, các điểm tập kết binh lực, kho tàng, bến bãi; tiêu diệt và phá hủy hoặc làm tổn thất nặng nề quá trình chuẩn bị lực lượng tấn công của đối phương, giúp ta có thời gian chuẩn bị lực lượng và phương án đối phó hữu hiệu. Ngoài ra, nó còn có khả năng phá hủy các công sự trận địa kiên cố trên đảo, hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng đổ bộ.
Tàu ngầm Kilo có nhiệm vụ tìm kiếm, bí mật theo dõi và tấn công tiêu diệt tàu ngầm của đối phương, đảm nhận trách nhiệm chống ngầm bảo vệ lực lượng hải quân của ta; trinh sát, bám nắm và tiêu diệt các cụm tàu nổi (hàng không mẫu hạm; tàu khu trục, hộ vệ; tàu hậu cần, bổ trợ; tàu trinh sát kỹ thuật, đo đạc âm hưởng…) của hải quân đối phương; tấn công vào các mục tiêu đầu não của địch trên mặt đất hoặc hỗ trợ lực lượng đánh chiếm, tái chiếm đảo.
Tàu ngầm Kilo Việt Nam được trang bị đầy đủ các hệ thống vũ khí để đảm nhận các nhiệm vụ tác chiến mặt nước, đối ngầm, đối đất và phòng không. Những loại vũ khí đa dạng này đều có uy lực rất mạnh, tạo nên khả năng tác chiến đa nhiệm cho tàu ngầm Kilo. 
Ngoài ra, tàu ngầm Kilo còn có thể đảm nhận rất nhiều chức năng khác như: Thực hiện các hoạt động trinh sát, dẫn đường cho các lực lượng của ta tiếp cận đối phương, chỉ thị mục tiêu cho các phương tiện hỏa lực; bí mật áp sát các cảng, căn cứ hải quân địch, thực hiện nhiệm vụ đổ bộ các lực lượng đặc công nước tiến hành trinh sát thực địa, tấn công phá hoại, bóc gỡ chướng ngại vật ngầm… 
Tàu ngầm Kilo có thể triển khai các hoạt động tác chiến đơn lẻ hoặc thuộc biên chế của một cụm tàu ngầm hoặc nằm trong đội hình một biên đội tàu hỗn hợp (tàu ngầm, tàu mặt nước). 
Tàu ngầm Kilo có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến trong mọi hình thái chiến thuật như: Phục kích, đón lõng theo kế hoạch; mật tập mục tiêu xác định; cơ động tấn công theo yêu cầu khẩn cấp hoặc tao ngộ chiến…
“Trở thành thủy thủ của con tàu ngầm hiện đại, chúng tôi ý thức được rằng mình đang quản lý và sử dụng một tài sản rất lớn của đất nước.  Vì thế chúng tôi phải không ngừng ra sức học tập, rèn luyện góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để từng bước làm chủ con tàu, làm chủ vũ khí, trang bị. Mỗi chúng tôi sẽ cố gắng cao nhất để hoàn thành tốt  nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội và nhân dân  tin tưởng giao phó”. Trung tá Nguyễn Văn Bách - Thuyền trưởng tàu HQ-183 TP.Hồ Chí Minh tâm sự

Đọc thêm