Taxi tại Thủ đô được coi là một trong những nguyên nhân gây tắc đường tại Hà Nội hiện nay. Điều đáng nói ở chỗ, để tranh giành khách, các tài xế taxi không ngại ngần phóng nhanh, vượt ẩu, vượt làn, thậm chí bắt khách giữa đường... gây nên nhiều cảnh mất mỹ quan đô thị. Ở góc độ khác, tình trạng taxi dù vẫn tồn tại như một vấn đề làm đau đầu cơ quan chức năng...
|
1001 lỗi của taxi
Trên tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh vào giờ tan tầm, cảnh taxi vượt làn rẽ vào bên đường đón khách tại quán café Chờ, một số điểm dịch vụ hay một trường học trên đoạn đường này thường xuyên dẫn đến cảnh tắc nghẽn cục bộ. Còn tại các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên, Long Biên..., cảnh taxi giữa đường bắt khách là chuyện không còn lạ lẫm với nhiều người tham gia giao thông.
Bến xe Mỹ Đình có làn đường riêng dành cho xe taxi đón trả khách, bến xe này cũng ưu tiên cho các hãng taxi vào trong bến dừng đỗ trả khách nhưng theo Bản quản lý ở đây, tình trạng các taxi vẫn đỗ ngoài cổng và lượn lờ tại các điểm xe quay đầu lúc nào cũng có. Xử lý và nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn đâu vào đấy.
Hiện nay, Hà Nội có 114 doanh nghiệp với hơn 16.000 taxi. Thực tế cũng cho thấy, việc dừng đỗ sai quy định hay gây tắc đường có sự góp phần quan trọng của hàng ngàn xe taxi. Bất kì nơi đông người nào như cổng bệnh viện, bến xe, khách sạn..., nhiều taxi dừng đỗ tùy tiện, cho xe nổ máy, nhấp nháy đèn xi nhan..., gây ách tắc, lộn xộn.
Nạn taxi dù lại càng khiến người đi taxi ngán ngẩm. Một độc giả tên Trang chia sẻ: “Vài năm nay tôi dùng taxi là phương tiện đi lại hàng ngày. Có những khi mưa gió hoặc đi về khuya, không gọi được xe hàng hoặc phải đợi quá lâu, tôi đành vẫy taxi chạy qua đường. Và tôi đã gặp đủ các kiểu lừa như đi đường xa hơn để lấy nhiều tiền hơn, hay xe cứ mỗi 2m đồng hồ lại nhảy thêm 2.000 VNĐ. Có lần thấy đồng hồ km chỉ sai, hỏi tài xế là: “Đồng hồ của anh đo sai, anh không sợ bị thanh tra phạt à?”. Tài xế hỏi ngược lại:: “Dám làm thì sợ gì?”.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, lượng taxi “dù” chiếm 1/15 số lượng taxi tại Thủ đô hiện nay. Cứ mỗi đợt ra quân, các cơ quan chức năng mà đặc biệt là Thanh tra giao thông Hà Nội lại xử lý hàng ngàn trường hợp taxi vi phạm, với những lỗi phổ biến như không có giấy phép kinh doanh, không gắn hộp đèn taxi, đồng hồ tính tiền không kẹp chì, không gắn lô gô của hãng taxi, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định... Kiểm tra mới hay, nhiều doanh nghiệp đều kêu trời vì đó không phải là xe của họ mà là taxi dù.
Nhức nhối văn hóa giao tiếp của tài xế
Vẫn biết loại hình taxi là một phương tiện giao thông tiện lợi với người dân Thủ đô nhưng xung quanh nó vẫn còn tồn tại quá nhiều vấn đề cần giải quyết của nhiều ban ngành.
Đầu tiên là việc quy định niêm yết giá taxi mà mỗi doanh nghiệp làm một kiểu. Doanh nghiệp nào giá rẻ hơn thì in bảng giá cước to, rõ ràng, dán công khai trên cửa, taxi chỉ cần đi qua khách hàng cũng có thể biết được đắt rẻ. Còn những hãng giá cao hơn thì in nhỏ như bàn tay thôi, bằng giấy bóng trong veo, màu mờ mịt, lên ngồi trên xe dí mũi vào khách còn khó đọc được giá cả bao nhiều…
Nêu vấn đề này để thấy, quy định được đề ra, nếu không rõ ràng, sẽ dễ bị đối phó hoặc làm chiếu lệ. Nói chuyện giá cước bởi taxi Việt Nam mới đây đã gây ấn tượng với đại biểu Interpol do khả năng “chặt chém” có một không hai khiến không chỉ giới taxi bất bình mà dư luận cực kỳ lên án vì làm xấu hình ảnh quốc gia.
Về văn hóa giao tiếp của tài xế cũng là vấn đề nhức nhối. Có khách hàng còn dở khóc dở cười khi xuống xe trả tiền chẵn cho lái xe, trong khi đợi tài xế trả tiền thừa thì anh này lập tức rồ ga phóng đi thẳng. Khách hàng này bộc bạch: “Không tiếc khoản tiền nhỏ đó mà thấy sao cách cư xử của tài xế nọ thiếu lịch sự và không có văn hóa đến vậy”. Đó là chưa kể các trường hợp tài xế ỉm đi khi khách quên đồ, cư xử lỗ mãng, chửi tục trên xe rất phản cảm.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là chuyện cho thuê xe của doanh nghiệp taxi cũng là một phần “khó xử” trong xử lý xe taxi hiện nay. Thực tế, doanh nghiệp taxi chỉ bán thương hiệu, thu tiền hàng tháng và không hề quản lý, mặc các xe thích làm gì thì làm. Trong khi đó, các quy định tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư, Quyết định của Bộ đều không cấm việc này.
Mới đây, khi Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra kế hoạch thanh tra một số doanh nghiệp taxi tại hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thì đã có 5 hãng taxi bị đình chỉ cấm hoạt động vĩnh viễn như Phú Gia, Mùa Xuân...
Bộ GTVT cũng vừa có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội dừng việc cấp phép lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng xe của các hãng taxi nhằm giảm ùn tắc và tăng khả năng khai thác các tuyến xe buýt nội đô. Việc kiểm tra lần này có thể coi như một động thái đưa hoạt động taxi đi vào khuôn phép, dù hơi muộn.
Taxi “dù” “cắt cổ” khách Thụy Sỹ Ngày 19/12/2011, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP.Hà Nội vừa điều tra, triệt phá ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người nước ngoài. Cùng với đó, công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 đối tượng Nguyễn Văn Thống và Nguyễn Văn Hùng (đều 24 tuổi, ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, khoảng 15h45 ngày 15/12, anh Benjamin Giase (35 tuổi, quốc tịch Thụy Sỹ) đến Việt Nam, dự tính về thuê khách sạn ở quận Hoàn Kiếm để nghỉ ngơi. Tại sân bay Nội Bài, anh Benjamin được Hùng mời đi taxi “dù” do Thống lái với giá 300.000 đồng. Biết khách chưa biết giá cả và mệnh giá tiền Việt Nam nên 2 đối tượng đã yêu cầu anh rút tiền mua vé qua trạm phí và tiền đi xe, lừa đảo chiếm đoạt của anh Benjamin 4 triệu đồng. H.A |
Uyên Lê