Taxi Uber: Luật chưa quy định thì không “trái luật”

(PLO) - Vì ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về loại hình taxi hoạt động theo ứng dụng Uber nên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng dịch vụ taxi Uber là “trái luật”. Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được phản hồi trái chiều từ chuyên gia luật và người tiêu dùng.
Một lái xe ở TP.HCM bị xử phạt vì dùng Uber kinh doanh taxi
Một lái xe ở TP.HCM bị xử phạt vì dùng Uber kinh doanh taxi 
Bộ Giao thông Vận tải: Uber “trái luật” và  “rủi ro”
Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin, trong cuộc họp báo diễn ra tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây, liên quan đến vấn đề taxi Uber, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng taxi Uber không có tính pháp lý để hoạt động chở khách như taxi thông thường bởi hoạt động kinh doanh taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh, đóng thuế và chịu trách nhiệm về an toàn đối với người sử dụng. 
"Hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải như trên là trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô" – ông Trường nói.
Còn ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng: “Xe không đóng bảo hiểm cho hành khách nên khi xảy ra sự cố sẽ không nhận được khoản bảo hiểm nào… Đây là hình thức kinh doanh không lành mạnh, cần có hình thức quản lý và chế tài xử phạt”.
Trước đó, Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM xem xét tính hợp pháp của dịch vụ cho thuê xe này và cho rằng nếu nó phát triển sẽ ảnh hưởng tới "nồi cơm" của hàng nghìn tài xế taxi trên địa bàn. 
Từ ngày 28/11 vừa rồi, lực lượng thanh tra TP.HCM bắt đầu xử phạt các xe taxi kinh doanh dịch vụ Uber theo Nghị định số 171/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, với lý do đây là hành vi kinh doanh vận tải bằng ôtô mà không đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải (mức phạt cá nhân từ 3 đến 4 triệu đồng, phạt tổ chức từ 6 đến 8 triệu đồng).
Người tiêu dùng: không rủi ro như Bộ Giao thông Vận tải nói
Uber là phần mềm hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Dịch vụ kinh doanh vận tải này đã xuất hiện tại 130 thành phố trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch vụ Uber hoạt động ở TP.HCM từ tháng 7/2014 và đang bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội. Các xe tham gia Uber với giá cước rẻ hơn taxi truyền thống 20%. Người dùng trả phí thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc tế như Master Card, Visa…, chủ xe hưởng 80%, còn Uber sẽ lấy 20%. 
Nhiều người đã từng trải nghiệm Uber cũng quan niệm đây là một dạng “đi nhờ có trả tiền”, và các xe ô tô chở người thì đều phải mua bảo hiểm cho người thứ ba. 
Chị Hoàng Chi (quận 2, TP.HCM) bày tỏ: “Khi có một vấn đề mới phát sinh trong thực tế, việc đầu tiên là phải xem nó mang lợi ích gì cho xã hội, nếu có thì ta phải ủng hộ, nếu chưa có luật thì phải điều chỉnh, nếu lái xe làm chưa đúng thì phải hướng dẫn họ, chứ chưa làm gì đã ngay lập tức cấm thì không thuyết phục. Việc ngày càng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được phát minh phục vụ đời sống là xu hướng xã hội tất yếu, cũng như báo điện tử, thương mại điện tử…”.
Anh Bùi Tuấn Anh (quận Tân Bình, TP.HCM) cho rằng, taxi Uber không rủi ro như lãnh đạo Bộ GTVT nói, bởi mạng lưới Uber này hoạt động rất bài bản, hành khách biết trước thông tin hình ảnh, điện thoại, số xe và cả thứ hạng uy tín của tài xế nên an toàn và minh bạch hơn các hãng taxi khác. Sau khi di chuyển hệ thống tự động email hành trình đi với chi tiết cước và các thông số khác của hành trình, nên giả sử có để quên đồ thì cũng có nhiều dữ liệu để tìm kiếm hơn là đi xe taxi truyền thống gặp tài xế không trung thực.
Nếu muốn cấm, phải có cơ sở pháp lý
Phản hồi về quan điểm của lãnh đạo Bộ GTVT về loại dịch vụ đang ngày càng được nhiều người quan tâm, sử dụng này, Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) quan niệm: “Nếu nói những người tham gia Uber là đang thực hiện dịch vụ taxi thì Bộ GTVT đúng. Nhưng nếu cho rằng đó là hoạt động đi nhờ xe có trả tiền thì Bộ GTVT không xử phạt được. Dịch vụ Uber vốn xuất phát từ gốc là dịch vụ đi nhờ xe tiện đường, giúp người có xe kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, tinh thần của Luật Doanh nghiệp vừa được thông qua đã nêu rất rõ người dân được làm những việc Nhà nước không cấm”. Ông Thắng quan niệm, kể cả cho phép hay cấm thì cũng phải thực hiện trên cơ sở pháp lý.
Được biết, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra tính hợp pháp của phần mềm Uber tại Việt Nam, khi đó mới suy nghĩ đến việc cho lưu hành kinh doanh hay không để xây dựng hành lang pháp lý, ban hành quy định. 
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, quan điểm của ngành là muốn Bộ Thông tin và Truyền thông cùng tuyên truyền, đưa ra cảnh báo với người dân phải thận trọng khi sử dụng dịch vụ mới này, trước khi cơ quan quản lý có cơ sở để tính chuyện xây dựng hành lang pháp lý.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: 
Tại sao không hợp pháp hoá Uber?
Hôm qua, tại buổi họp Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, Bộ trưởng BộGTVT Đinh La Thăng chỉ đạo: "Rõ ràng là loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, chi phí thấp, người dân thấy lợi khi sử dụng. Trên thế giới người ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm. Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, mình có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu bổ sung để hợp pháp hoá. Phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân”.

Đọc thêm