Tây Nguyên mùa nhớ!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ lâu, người Tây Nguyên không quen phân chia các mùa trong năm thành bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mà chỉ quen với hai mùa: Mùa mưa và mùa khô. Nếu mùa khô Tây Nguyên như một nàng công chúa với những chiếc áo hoa sặc sỡ sắc màu, thì chúng ta còn có một Tây Nguyên mùa mưa, ẩn mình e ấp trong sương mù. Tay trong tay, người ta dắt nhau qua những ngày se lạnh. Để rồi, khi xa nhau ai ai cũng nhớ về khoảnh khắc ấy. Tây Nguyên với những mùa nhớ! Nếu bạn chỉ có 48 giờ ở vùng đất này, hãy theo cách của tôi cũng là một trải nghiệm đáng để thử!

Thăm biển hồ trên núi

Tầm gần 6 giờ sáng, khi trời còn tờ mờ sương. Hãy cùng tôi đi thăm Biển Hồ T’Nưng. Biển Hồ nước nằm cách trung tâm thành phố khoảng 7 km về hướng Tây Bắc. Nơi này nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng, cao khoảng 500 m so với mực nước biển. Đây vốn là miệng núi lửa khổng lồ, quanh năm đầy nước và luôn xanh ngắt. Biển Hồ được ví như viên ngọc bích giữa núi rừng Tây Nguyên.

Trong những câu chuyện bên bếp lửa của những già làng thì biển hồ T’Nưng với bao nhiều màu sắc liêu trai. Nhưng tựu chung lại, tất cả đều lý giải cho nguồn gốc hồ chưa bao giờ cạn, nơi đây là nơi cung cấp nguồn nước cho hàng vạn người dân.

Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao xuống được bao bọc bởi những tầng mây. Ở đây, vào mùa mưa, chỉ cần ra khỏi nhà là bạn thấy mây ngay trước mặt. Ảnh Phạm Công Quý
Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao xuống được bao bọc bởi những tầng mây. Ở đây, vào mùa mưa, chỉ cần ra khỏi nhà là bạn thấy mây ngay trước mặt. Ảnh Phạm Công Quý

Đến với Biển Hồ Pleiku bạn không chỉ đến với một điểm du lịch mà là bạn đang đến với một không gian xanh ngắt, yên lành. Biển Hồ nằm giữa một đồi thông xanh ngăn ngắt. Chỉ cần bước chân qua cổng bạn đã như lạc vào một thế giới khác xa với những ồn ào náo nhiệt ngoài kia. Tựa lưng dưới gốc thông già, bạn như nghe thấy cả nhịp đập của tim mình để lắng nghe những hơi thở của thời gian, thật gần!

Tây Nguyên mùa nhớ!  ảnh 2
Chùa Minh Thành: Chùa nằm ngay giữa trung tâm thành phố với một kiến trúc tinh xảo và độc đáo. Ngôi chùa chính là niềm tự hào của người dân phố núi. Ảnh: Phạm Công Quý.

Nói không quá khi có thể khẳng định rằng Biển Hồ Pleiku đẹp “bất chấp thời tiết”. Nếu là trời mưa, bạn sẽ cảm giác như bạn đang đi trong một không gian mà nhạc sỹ Nguyễn Cường từng viết “Phố núi cao, phố núi đầy sương”. Nếu đến kịp vào sáng sớm, khi bình minh lên, kéo làn sương khiến cho mặt hồ bỗng trở nên huyền ảo. Không gì tuyệt vời hơn, giữa một không gian như thế, bạn cùng với người ấy ngồi nhâm nhi ly cafe nguyên chất ngắm sự chuyển màu của dòng nước trên hồ. Hãy nhắm mắt lại để hít cho căng đầy lồng ngực, rồi ngửa mặt lên trời bạn như thấy hàng vạn vì sao nhấp nhánh qua từng khe lá. Thời gian bỗng như dừng lại.

Thăm núi Hàm Rồng, nhìn mây trôi trước mặt

Tây Nguyên mùa nhớ!  ảnh 3

Núi Hàm Rồng: Một góc của núi Hàm Rồng được nhìn từ thành phố. Còn gì tuyệt hơn, khi uống ngụm cafe nhìn mây tan dần trước mắt. Ảnh: Uyên Thu

Sau một bữa trưa no nê với những món ăn đặc bản xứ như lá mì xào cà đắng, cơm lam gà nướng… đắm mình trong không gian văn hoá cồng chiêng tại một sân nhà rông với những mái nhà cong vút. Bạn hãy cùng tôi đến khu vực núi Hàm Rồng, với độ cao hơn 1000 mét và được mây mù bao phủ quanh năm. Núi Hàm Rồng được coi là nóc nhà Pleiku, là một di sản địa chất quý của tỉnh Gia Lai.

Núi Hàm Rồng. Ảnh: Uyên Thu.

Núi Hàm Rồng. Ảnh: Uyên Thu.

Nếu có cơ hội được lên đến đỉnh núi bạn nhớ mang cho mình một chiếc áo ấm dù mới cách đó vài km trời vẫn nắng. Từ đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa bạn có thể ngắm nhìn toàn thành phố, Nhìn về hướng Nam là một vườn chè xanh mướt với những điểm tô màu vàng của hoa muồng. Những đồn điền chè xanh này được trồng từ thời Pháp nên những cây chè nơi đây sần sùi với những dấu ấn của thời gian. Có một người từng nói với tôi rằng: Dù ở đâu cũng là sống nhưng cảm giác ngồi ngắm mây tan dần trên đỉnh núi Hàm Rồng, làm một ngụm cà phê thấy mây là là trước mũi vẫn là khoảnh khắc đẹp nhất, đáng sống nhất!

Măng Đen - nơi chỉ có nỗi nhớ

Một góc Măng Đen: Măng Đen tuy là một thị trấn “trẻ” nhưng luôn mang trong mình vẻ đài các kiêu sa của một tiểu thư. Ở đây, chỉ cần nằm dưới gốc cây lắng nghe tiếng “thông reo” cũng đã là một trải nghiệm tuyệt vời. Ảnh Lĩnh Phan.

Một góc Măng Đen: Măng Đen tuy là một thị trấn “trẻ” nhưng luôn mang trong mình vẻ đài các kiêu sa của một tiểu thư. Ở đây, chỉ cần nằm dưới gốc cây lắng nghe tiếng “thông reo” cũng đã là một trải nghiệm tuyệt vời. Ảnh Lĩnh Phan.

Ngày thứ 2, bạn hãy cùng tôi khám phá Măng Đen - nơi nhiều người gọi đó là Đà Lạt hai. Thế nhưng, tôi không thích gọi như vậy bởi tôi yêu Măng Đen theo một kiểu rất riêng của nó. Măng Đen, là một thị trấn nhỏ nằm khiêm nhường thuộc huyện Konplong của tỉnh Kon Tum. Măng Đen với độ cao 1.200 mét so với mực nước biển. Với độ cao đó nên khí hậu quanh năm mát mẻ. Là một thị trấn “trẻ” nhưng Măng Đen lại mang trong mình vẻ đẹp trầm mặc của một tiểu thư đài các. Dọc hai bên đường, đâu đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hàng thông cao vút, xanh ngút tầm mắt. Hơn thế, Măng Đen được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh mà hiếm một nơi nào còn giữ được những cánh rừng như vậy.

Trong bài này, tôi sẽ không giới thiệu cho các bạn những địa điểm nổi tiếng khi đến đây như: Thác Pa Sỹ, Đồi Đức Mẹ, chùa Khánh Lâm… bởi thời đại 4.0, bất cứ ai muốn di lịch Măng Đen chỉ cần gõ trên Google đều có. Tôi muốn viết nhiều hơn về cảm xúc của một người yêu mảnh đất này đến dại người.

Hàng thông trăm tuổi: Đây là một điểm không thể bỏ qua nếu bạn yêu thích vẻ đẹp của phố núi. Ở nơi đây, khi có cơn gió đi qua bạn sẽ thấy cả một dàn nhạc được tấu lên, người dân nơi đây gọi đó là tiếng “thông reo”. Cách đây vài năm, khi chính quyền địa phương muốn thay thế hàng thông này bằng một hàng thông trẻ hơn đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của người dân nơi đây, bởi hàng thông này không chỉ là hàng thông mà còn là thanh xuân, là nơi ghi dấu chứng kiến biết bao kỷ niệm của những cặp đôi yêu nhau. Ảnh: Phạm Công Quý.
Hàng thông trăm tuổi: Đây là một điểm không thể bỏ qua nếu bạn yêu thích vẻ đẹp của phố núi. Ở nơi đây, khi có cơn gió đi qua bạn sẽ thấy cả một dàn nhạc được tấu lên, người dân nơi đây gọi đó là tiếng “thông reo”. Cách đây vài năm, khi chính quyền địa phương muốn thay thế hàng thông này bằng một hàng thông trẻ hơn đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của người dân nơi đây, bởi hàng thông này không chỉ là hàng thông mà còn là thanh xuân, là nơi ghi dấu chứng kiến biết bao kỷ niệm của những cặp đôi yêu nhau. Ảnh: Phạm Công Quý.

Tôi và bạn, nếu chỉ một lần đặt chân tới thị trấn nhỏ này chắc chắn sẽ khiến bạn khắc khoải mãi không thôi. Măng Đen đẹp theo kiểu bất chấp các thời gian trong ngày. Ở Măng Đen, bạn sẽ không phải mặc áo chống nắng và bịt mặt, bởi các con đường đều rợp bóng cây. Những giọt nắng len lỏi qua các kẽ lá nhìn như hàng vạn những vì sao.

Thế nhưng, tôi lại thích Măng Đen nhất vào những buổi tối. Dưới sương mù, những ánh đèn đường vàng vọt khiến mọi thứ trở nên lãng mạn và bình yên đến lạ. Cùng người ấy, dắt nhau đi dưới ánh sáng vàng trong làn sương mù, nhìn bóng của mình trải dài trên con đường trong thời tiết lành lạnh. Cảm giác đó, khiến mỗi khi trời lạnh dù đang ở bất cứ đâu tôi lại luôn nhớ về buổi tối đó ở Măng Đen. Đến nỗi, tôi còn tự quyết tâm “nhất định khi về hưu mình sẽ về Măng Đen sống. Buổi sáng uống một ly cà phê Abrica, ngắm mây tan trước mặt. Hàng ngày tôi trồng cây, đọc sách viết văn. Buổi tối nắm tay người bạn đời của mình đi dưới con đường có hàng thông mờ sương với ánh sáng vàng vọt”.

Chắc các bạn sẽ thắc mắc, nếu 48 giờ mà chỉ đi được ít như vậy thôi sao? Thật sự, nếu đến với Tây Nguyên tôi khuyên các bạn không nên xê dịch nhiều, bởi chỉ cần ngồi với một ly cà phê ngồi dưới gốc thông già nhìn “mây bay trên đầu và nắng trên vai” đã là một trải nghiệm thi vị rồi. Vì thế, nếu đến Tây Nguyên, bạn cứ từ từ mà cảm nhận để rồi bạn sẽ nhận ra Tây Nguyên không chỉ có 2 mùa mưa và mùa khô, mà Tây Nguyên còn có một mùa đó là MÙA NHỚ…

Đọc thêm