Tây Nguyên sẽ có tuyến đường sắt đa dụng

Tuyến đường sắt đa dụng này có chiều dài khoảng 248 km sẽ được đầu tư, xây dựng và phát triển theo hướng vừa phục vụ ngành công nghiệp nhôm vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 5/8/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp và chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm chính trong việc đầu tư thực hiện Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite; trong đó có nội dung xây dựng tuyến đường sắt đa dụng, trên cơ sở có báo cáo ban đầu về các căn cứ, định hướng cũng như các điều kiện cơ bản triển khai dự án.

 

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tuyến đường sắt đa dụng được đầu tư, xây dựng và phát triển theo hướng vừa phục vụ ngành công nghiệp nhôm vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên; trên cơ sở cập nhật tình hình các dự án đầu tư về bauxite – alumin – nhôm và cả nhu cầu vận tải của các địa phương nơi tuyến đường đi qua; đơn vị tư vấn dự án tính toán, xác định các chỉ tiêu cơ bản của tuyến.

 

Theo tính toán, tính đến 2025, khối lượng vận tải hai chiều ước khoảng 23,9 triệu tấn hàng hóa/năm và 462.000 hành khách/năm; hướng tuyến được lựa chọn ban đầu là từ Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Tân Rai (Lâm Đồng) - Kê Gà (Bình Thuận); công nghệ đường sắt khổ đôi 1,435m, chiều dài toàn tuyến khoảng 248 km, trong đó chiều dài cầu khoảng 52km và 15km hầm.

 

Dự kiến, tổng vốn đầu tư ước tính 55.613 tỷ đồng; giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ được triển khai đến năm 2012; thiết kế chi tiết từ 2012 - 2014 và khởi công xây dựng từ 2014, đưa vào khai thác từ 2020.

 

Đồng thời, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế (TEDI - Bộ GTVT) trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, sự cần thiết đầu tư, khẩn trương xây dựng các phương án triển khai tuyến đường sắt nối từ Tây Nguyên xuống cảng Kê Gà (Bình Thuận) theo hướng đa dụng, hiệu quả nhất phục vụ ngành công nghiệp nhôm và kinh tế - xã hội khu vực.

 

Các ý kiến trong cuộc họp cũng thống nhất đây là dự án lớn, tầm cỡ quốc gia và là dự án hạ tầng quan trọng phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp nhôm và kinh tế- xã hội khu vực Tây Nguyên, vì vậy, cần phải có sự tính toán kỹ, triển khai thận trọng để đạt hiệu quả cao nhất./.

 

A.H

Đọc thêm