Theo tính toán của một số chuyên gia, cơ cấu cổ đông của TCB được xem là khá cân đối bởi 4 nhóm nhà đầu tư: Ban lãnh đạo và CBNV ngân hàng (~25%), tổ chức lớn trong nước (~30%), tổ chức nước ngoài (~22%), và các NĐT cá nhân (~23%).
Trong số 23% NĐT cá nhân thì ước tính có khoảng 17%-18% là các NĐT cá nhân đã nắm giữ và gắn bó lâu năm, và chỉ khoảng 5-6% là được nắm giữ gần đây bởi các NĐT cá nhân tham gia đầu tư khi TCB còn giao dịch OTC, trước khi lên sàn.
Nếu xem xét kỹ cơ cấu cổ đông của ngân hàng này, chúng ta có thể thấy đa số (~95%) là các NĐT tổ chức, NĐT chiến lược và các nhà đầu tư đã gắn bó từ nhiều năm và dài hạn. Họ không có nhiều nhu cầu “mua bán” trên thị trường theo biến động hàng ngày.
Cơ cấu cổ đông của Techcombank |
Chỉ có một tỷ lệ nhỏ khoảng 5-6% lượng cổ phiếu lưu hành được các cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường nắm giữ và nhóm này có xu hướng chốt lời ngắn hạn, mua trước niêm yết và chốt lời ngay khi lên sàn. Tuy nhiên, lực bán đã giảm dần trong các phiên gần đây cho thấy áp lực này đã dần chững lại, tâm lý tiếc nuối hình thành khi cổ phiếu này quay đầu đi lên tăng một mạch 20% so với vùng đáy mà chính họ tạo ra.
Trong tổng số 5% trôi nổi này thì trong những ngày đầu giao dịch thì khoảng trên 50% đã được bán chốt lời và chuyển nhượng sang những NĐT mới. Vì vậy, những ai cần bán có lẽ đã bán xong. Phần NĐT còn lại có lẽ sẽ tiếp tục kỳ vọng cổ phiếu TCB sẽ tiếp tục hồi phục và đi lên trong thời gian tới và dài hạn. Đặc biệt là khi TCB đang tiếp tục công bố nhiều sự kiện quan trọng như chia cổ tức cổ phiếu thưởng 200%, kết quả kinh doanh hàng quý, kế hoạch 5 năm tăng trưởng mạnh.