Tên phim như 'chửi bậy' lại... ăn khách

Em là bà nội của anh (làm lại từ Miss Granny của Hàn Quốc) đang rất ăn khách tại các rạp chiếu, song lại làm dấy lên tranh luận về mức độ sáng tạo và sao chép ở một tác phẩm phim 'làm lại' (remake).
Tên phim như 'chửi bậy' lại... ăn khách
Suốt hơn 2 tuần qua, bộ phim Em là bà nội của anh đã tạo nên cơn sốt tại các phòng vé rạp chiếu Việt với doanh thu 10 ngày là 42 tỉ đồng. Đây là bộ phim được thực hiện dựa trên nguyên tác Miss Granny (2014) của điện ảnh Hàn Quốc, được đối tác tại Việt Nam mua bản quyền, do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dựng lại.
Nguyên tác từng thu hút hơn 8,65 triệu lượt khán giả trong nước và sau đó được phía nhà sản xuất “xuất khẩu” ra nhiều thị trường quốc tế.
Kỳ cục, mất cảm tình...
Lý giải sự thành công về doanh thu của bộ phim Em là bà nội của anh tại Việt Nam, nhiều chuyên gia trong giới nhận định đó là do tình hình rạp chiếu thiếu vắng phim bom tấn, và đây là phim hài tình cảm - gia đình có nội dung ấm áp, dàn diễn viên đẹp và chiến dịch PR bài bản. Một lý do khác mà khán giả có thể hoặc không có ý định mua vé xem phim này, hoặc sẽ ùn ùn xem vì… tò mò, đó là do tên phim.
Nhiều khán giả cho biết “tên phim nghe mất cảm tình, kỳ cục…” vì chữ “bà nội” khiến tựa phim như một câu chửi bậy. Chính đạo diễn Nhật Linh cũng từng nói nửa đùa nửa thật “vì nhiều khán giả ác cảm nên tôi muốn đổi cả tên phim”. Phía Hàn Quốc khi chiếu phim gốc ở Việt Nam lấy tựa Ngoại già tuổi 20. Vì sau khi tìm hiểu văn hóa Việt Nam, họ hiểu rằng là không nên đưa chữ “bà nội” vào tựa. Trong khi đó, đạo diễn Việt lại cho rằng “đó là câu mắng yêu, rất dễ thương chứ không phải bậy bạ” (!).
Tuy nhiên, phim thắng hay thua về doanh thu khác hoàn toàn với việc phim có được đánh giá cao hay không. Vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng Em là bà nội của anh như bản sao của Miss Granny bởi giống từng khuôn hình, góc quay, ánh sáng, cả xử lý diễn xuất khóc cười của diễn viên… Vì thế, bộ phim không thể hiện được sự sáng tạo. Dấu ấn riêng của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh trong phim chưa thực sự rõ ràng.
Đạo diễn Bá Vũ nêu quan điểm chung về việc làm lại (remake) một bộ phim: “Nếu làm giống y chang thì không có sự sáng tạo nào cả ở đạo diễn. Trên thế giới có nhiều phim được làm lại, nhưng phải có góc nhìn, xử lý khác, riêng biệt của đạo diễn đối với tác phẩm. Làm thêm một bộ phim sinh đôi nữa để làm gì?”.
Đạo diễn Nhật Linh nhìn nhận: “Tôi cũng đồng ý nếu khán giả nói phim này đa phần không khác gì nội dung bản gốc. Họ có cái lý của họ. Khi viết kịch bản, tôi đã suy nghĩ làm khác đi và đã thực hiện như vậy. Nhưng sau đó, tôi thấy những cái mình sửa khác đi không làm phim hay hơn. Tôi nhận ra cách hay nhất không phải là sáng tạo cái mới mà là làm bộ phim cho thật cảm xúc và thuần Việt”. Tuy nhiên, cái tên phim chẳng “thuần Việt” tí nào.
Trào lưu phim “làm lại”
Phim làm lại đã không còn xa lạ với người yêu điện ảnh. Mỹ, Trung Quốc, Nhật… đều có rất nhiều tác phẩm làm lại, xuất phát từ sức hút của các bản gốc và do thiếu những kịch bản mới, hay. Vì mua lại hoàn toàn bản quyền của bộ phim nên phim làm lại sẽ mang dấu ấn của bộ phim gốc ở những mức độ khác nhau, thậm chí có thể giống hệt nhau. Phải nói rằng từ trước đến nay, lịch sử điện ảnh thế giới cũng đã chứng minh rằng, hầu hết các phiên bản làm lại đều không thể vượt qua được cái bóng quá lớn của bản gốc, nhưng lợi nhuận thì rất khả quan, cũng nhờ danh tiếng quá lớn của bản gốc.
Hiện tại ở Việt Nam không chỉ có Em là bà nội của anh là phim làm lại, mà trước đó còn có phim Yêu của đạo diễn Việt Max mua bản quyền từ phim The love of Siam của Thái Lan, Không nói được của đạo diễn Trần Việt Anh làm lại từ phim My name is Love của Thái Lan…
Không ít đạo diễn nói thẳng rằng nếu các hãng “làm lại” quá nhiều, số phim “làm lại” lấn át cả số lượng phim sáng tác mới sẽ kéo theo hệ lụy là thị trường phim Việt sẽ nở rộ những bộ phim “con lai”, “hồn Trương Ba, da hàng thịt” thiếu tính sáng tạo.

Đọc thêm