Theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; thì ngoại trừ những ĐVHC có đặc thù quốc phòng, an ninh, truyền thống lịch sử, văn hóa, tốc độ phát triển đô thị và trình độ phát triển kinh tế; còn lại phải đáp ứng các tiêu chí về diện tích tối thiểu, dân số, nếu không phải sắp xếp. Nghị quyết trên là rất đúng đắn, khoa học. Tuy nhiên, thực tiễn sắp xếp ĐVHC phát sinh một số vấn đề gây tranh luận, như 2 xã nhập thành 1, thì lấy tên mới nào.
Tại Hà Nội, việc đặt tên mới ngoài cân nhắc yếu tố đặc thù như truyền thống lịch sử, văn hóa, còn xét tới quy hoạch, mạng lưới giao thông. Một số ĐVHC mới giữ lại một trong số tên cũ. Trong khi đó, một số tên phường nổi tiếng như Cầu Dền, Đống Mác, Quỳnh Lôi lại không còn.
Tại xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội), tiếc nuối khi tên xã không còn sau khi sáp nhập với Thạch Xá thành Thạch Xá, nên 250 người đã ký văn bản gửi cơ quan chức năng, kiến nghị giữ lại tên xã. Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời nhất nước, chữ “chàng” ở đây chỉ tên dụng cụ làm mộc. Người Chàng Sơn làm ra nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc gỗ nổi tiếng như những pho tượng chùa Tây Phương, được xem là những tác phẩm xuất sắc của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Kiến nghị này không được đồng ý, vì theo giải thích của lãnh đạo huyện, thì Chàng Sơn vốn chỉ là một thôn thuộc xã Thạch Xá. Tên xã thay đổi, song tên làng nghề vẫn giữ lại nên không lo bị lãng quên.
Tuy nhiên, ở một số địa phương khác, khó tìm được phương án dung hòa như trên. Mới đây, UBND huyện Quỳnh Lưu phải có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến điều chỉnh tên gọi một số ĐVHC cấp xã sau sáp nhập. Ví dụ sáp nhập xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu, cái tên mới đề xuất Đôi Hậu bị người dân phản ứng, không đồng tình. Một nửa muốn giữ tên gọi Quỳnh Đôi, số còn lại cho rằng tên gọi mới Đôi Hậu “nghe kỳ kỳ”.
Trước đó, huyện đưa phương án giữ lại tên của 1 trong 2 xã sáp nhập và người xã nào cũng muốn giữ tên gọi xã mình. Quỳnh Đôi là vùng đất nổi tiếng khoa bảng, nhiều người thành đạt, là quê nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Huyện đã chọn phương án giữ tên này, nhưng phía Quỳnh Hậu phản đối, cho rằng xã mình diện tích lớn, đông dân hơn, không thể lép vế nên đề nghị “phải giữ chữ Hậu”.
Dự kiến tới đây, hai xã cho người dân bỏ phiếu. Huyện lập tổ công tác vận động, thuyết phục người dân chấp thuận phương án giữ lại tên Quỳnh Đôi. Nếu hai xã không đồng thuận tên này, huyện sẽ xin ý kiến tỉnh tìm một tên gọi mới trước ngày lấy ý kiến người dân.
Còn một phương án nữa mà các địa phương có thể tham khảo thực hiện như xưa nay chúng ta đã làm và mới đây Hà Nội cũng đã thực hiện, là ghép tên, như phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phương Liên - Trung Tự. Chuyện tên làng, tên xã như trên đã nói, không chỉ là cái tên, mà còn là quê hương thân thuộc của bao người. Nên khi tìm tên mới cho xã, phường sau sáp nhập cần thận trọng tính toán các yếu tố văn hóa, lịch sử và nguyện vọng của người dân các ĐVHC sáp nhập.