Tết của người hàng Phố

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Tết với nhiều người dân ở phố cổ Hà Nội, còn gọi là khu phố “Hàng”, vốn đẹp như một giấc mơ…
Đoàn rước dâng lễ cửa Đình từ Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) đi qua một số tuyến phố và dâng lễ tại đình Kim Ngân. (Ảnh: BQLPC).
Đoàn rước dâng lễ cửa Đình từ Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) đi qua một số tuyến phố và dâng lễ tại đình Kim Ngân. (Ảnh: BQLPC).

Tết đẹp như một giấc mơ

Những ngày Tết thời nay thường nhanh và đơn giản hơn xưa bởi nhiều thứ đã đủ đầy và có sẵn. Nhưng những người lớn tuổi thì lúc nào cũng hoài niệm về không khí Tết xưa. Tết là phải lo toan, phải bận rộn, phải làm nhiều thứ cho khác hẳn ngày thường. Nhưng sự bận rộn ấy lại là niềm vui và hãnh diện của các bà, các mẹ, các chị hay thậm chí là của những người đàn ông trụ cột trong những gia đình neo người. Rất nhiều gia đình Hà Nội bây giờ vẫn trang trí nhà cửa, tạo những món ăn, duy trì nếp sinh hoạt có từ thời xưa cũ để gìn giữ bầu không khí ngày Tết cổ truyền cho con cháu.

Ngày Tết, nhà cửa thì phải khoác áo mới. Nhà nhà quét dọn nhà cửa, quét mạng nhện trần nhà, lau rửa các cửa sổ, cửa ra vào. Nếu có điều kiện thì sơn lại cửa, quét vá lại vài chỗ tường lở... Ở khu tập thể vẫn giữ nếp treo các băng rôn đỏ: “Chúc mừng năm mới” hoặc một khẩu hiệu: “Mừng Đảng, mừng Xuân, năm mới thắng lợi mới”. Mọi người cùng nhau quét dọn vệ sinh cầu thang, đường đi và sân chơi sạch sẽ vào chiều 30 Tết.

Trong nhà, dù có đào, quất cả cây nhưng nhiều gia đình vẫn thích một lọ hoa thập cẩm tự mình lựa chọn từ những cành hoa lay ơn mua lẻ kèm thêm ít hoa vi-ô-lét cúc, thược dược... Chọn được hoa đẹp, tươi và cắm khéo thì lọ hoa thập cẩm này làm rạng rỡ căn nhà hơn cả những chậu đào hay quất.

Ở phố Hàng Đào những năm 40 của thế kỷ trước, ai cũng biết gia đình cụ Nguyễn Văn Lợi, một nhà buôn tơ lụa giàu có. Ông Nguyễn Thái An (SN 1943) là con trai trưởng của cụ Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Hồng, một giai nhân đảm đang, tài giỏi. Trước đây, con phố Hàng Đào được mệnh danh là trung tâm buôn bán quần áo, tơ lụa sầm uất bậc nhất kinh thành Thăng Long. Đó là nơi tập trung rất nhiều thương lái nước ngoài, đặc biệt là người Ấn Độ.

Bố mẹ của ông Thái An là thế hệ thương lái đầu tiên kinh doanh tiệm vải lớn ở phố. Nhờ nghề vải, gia đình ông trở nên giàu có. Nhà ông Thái An khi đó có nhiều người ăn kẻ ở. Nhưng gần Tết, người ăn, kẻ ở được về quê ăn Tết. Ai muốn ở lại, bố mẹ ông cũng sẵn lòng. Người về được cho tiền, gạo, bánh...

Ông nhớ về ngày còn là một cậu bé lên 10 tuổi. Trước Tết 2 tháng, bố mẹ ông đã chuẩn bị mua sắm, tích trữ đồ dùng cho cả Tết. Theo ông, thời đó việc mua sắm rất khó khăn, muốn chọn được đồ ngon, tốt thì phải chuẩn bị từ sớm.

Nồi bánh chưng ngày Tết thời đó chính là một phần thưởng lớn đối với trẻ nhỏ và cả người lớn. Người ta mặc định chỉ Tết đến mới có bánh chưng ăn. Ông Thái An cũng háo hức trông bánh chưng và còn đánh dấu một chiếc bánh chưng nhỏ. Sau một đêm, chiếc bánh chưng nhỏ sẽ chín trước và những đứa trẻ có thể ăn sớm.

Ông kể, người Hà Thành xưa rất chú trọng thăm hỏi. Cứ đến 30 Tết, người ta lại đến nhà nhau ngồi uống nước hàn huyên, nói chuyện năm cũ và hứa hẹn năm mới tốt đẹp hơn. Sáng mùng 1 Tết, cả nhà được cậu, mợ (bố, mẹ) lì xì lần lượt. Các anh chị em nhà ông Thái An nhận được tiền lại vội cất vào ống để tiết kiệm rồi háo hức diện quần áo mới ra ngoài phố chơi… Nhưng để được đi chơi, nhà phải có người đến xông đất. Thế nên bọn trẻ cứ nhấp nhổm, ra cầu thang ngó xem có người đến không… Khi được chạy ngoài hàng phố, lũ trẻ lại đốt một tép pháo rồi đứng từ xa nghe tiếng nổ râm ran, thích thú vô cùng...

Sau mỗi lần đi chơi, đến giờ ăn, trẻ con lại vội chạy về nhà để được ngồi trước mâm cỗ nhiều món thịt, bánh chưng, bánh kẹo... Trong kí ức của ông Thái An, Tết thời đó giống như giấc mơ mỗi năm chỉ có một lần...

Tết xưa vẫn còn đó

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội. (Ảnh: TL).

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội. (Ảnh: TL).

Tết xưa của người Hà Nội đơn sơ là thế, nhưng thân thương, ấm cúng vô cùng. Kỉ niệm về Tết thời xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí nhiều người. Vẫn là hoa đào, hoa mai, vẫn bánh chưng và không khí nhộn nhịp của ngày Tết, nhưng Tết của ngày xưa và ngày nay đã khác nhau rất nhiều. Thế nhưng, nhiều gia đình vẫn cố gắng gìn giữ nét đẹp văn hóa qua những món ăn, hoạt động truyền thống mang đậm nét đẹp của người Hà Nội.

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội được xem là điển hình cho mâm cỗ cổ truyền của dân tộc: Tinh tế về hình thức, chế biến cầu kỳ, tỉ mẩn, tượng trưng cho tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên và chư vị thánh thần trong những ngày đầu năm, mong được phù hộ độ trì để có một năm may mắn, mùa màng bội thu. Vì người Hà Nội xưa cũng quan niệm, cỗ Tết càng cầu kỳ càng tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Ngày nay, dù rằng không phải cảnh “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” như xưa, nhưng những món ăn ngày Tết vẫn phải mang nét đặc trưng, nhất là với những gia đình có đủ hai, ba thế hệ, con cái đã lớn. Ngày Tết nhà càng đông người càng thích tự gói bánh chưng. Chợ Tết vẫn có hàng bán lá dong và ống giang chẻ lạt. Bây giờ chọn gạo nếp, thịt lợn và đỗ xanh chất lượng cùng lá dong đẹp dễ hơn nên chiếc bánh chưng đẹp và ngon hơn. Các mẹ, các chị vẫn thích trổ tài gói bánh chưng bằng tay không cần khuôn, vuông vức và đủ độ chặt… Một chiếc bánh chưng bé con con gói kèm được vớt ra cho đôi ba đứa trẻ loạt soạt bóc ăn trước vào tối luộc bánh chưng vẫn luôn là kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất trong thời thơ ấu của chúng.

Nét đẹp của người Hà Nội là sau khi quây quần đoàn tụ trong bữa cơm chiều 30 Tết của gia đình, từ sáng mồng Một mọi người đã chuẩn bị đi chúc Tết kết hợp dạo xuân qua các phố phường.

Cuối năm là dịp những cây mùi già trổ hoa lên ngôi bởi tắm gội cuối năm và rửa mặt sáng ngày Tết thì chỉ có cây mùi già.

Tết Hà Nội nay vẫn còn đó các phiên chợ chỉ họp một năm một lần vào dịp Tết như chợ hoa Hàng Lược, chợ đồ cổ ở ngã năm phố cổ... mở từ 23 đến 30 tháng Chạp. Đó còn là những phong tục, tập quán được gìn giữ lâu đời, những ngôi chùa cổ đông đúc du khách khói hương mỗi dịp đầu năm...

Những năm gần đây, nhằm bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, mang đến cho du khách, người dân những giá trị tiêu biểu trong sinh hoạt Tết cổ truyền của dân tộc, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đến hẹn lại lên tổ chức Tết truyền thống với nhiều hoạt động hướng về cội nguồn.

Người Việt đón Tết không chỉ để vui chơi mà còn là cách thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ cha ông, lưu giữ các giá trị truyền thống từ nghìn xưa để lại. Do đó, Ban Quản lý phố cổ mỗi năm thường tái hiện giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ về những giá trị tiêu biểu trong nét sinh hoạt Tết truyền thống của người Hà Nội và các vùng ven đô.

Theo đó, các nội dung hoạt động của Tết mỗi năm bao gồm chuỗi các hoạt động giới thiệu phong tục, tập quán của gia đình Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Cụ thể như trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống tại Đình Kim Ngân. Trong đó, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội hợp tác cùng các đơn vị có liên quan, như: Hội quán Di sản, CLB Thư pháp Việt Tâm Bút; CLB Cây cảnh Nghệ thuật Thăng Long, CLB hội làng Việt giới thiệu, sắp đặt không gian thờ của gia đình thành thị và gia đình Đồng bằng Bắc bộ; giới thiệu và trình diễn thư pháp Việt; giới thiệu nghệ thuật cây cảnh và thú chơi cây cảnh của người Hà Nội trong ngày Tết; tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng …

Đặc biệt, không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội đã được giới thiệu tại ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây với các nội dung như: sắp đặt không gian đón Tết của gia đình Hà Nội xưa; giới thiệu văn hoá Trà Việt... Ở đây, một không gian gần gũi, thân thương, đậm sắc màu Tết Việt được tái hiện mỗi dịp Tết đến, Xuân về qua những điều giản dị và gần gũi, với mâm ngũ quả, nồi bánh chưng, câu đối Tết, nhà tranh mái lá, ao sen, giếng đá ong...

Đến với đình Kim Ngân, số 42 - 44 Hàng Bạc trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán, người dân và du khách sẽ được hoài niệm hương vị Tết truyền thống với không gian thờ của gia đình thành thị và cả gia đình nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ.

Không gian đình Kim Ngân được trang trí, sắp đặt đậm chất Tết truyền thống với việc dựng cây nêu, ông đồ viết thư pháp, giới thiệu các dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ…, hay giới thiệu về linh vật của từng năm. Cùng đó là các chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống các vùng miền trên khắp cả nước…

Hàng năm tại đình Kim Ngân, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức một số nghi lễ quan trọng như: lễ cáo yết Thành hoàng, cúng Tổ nghề. Ban tổ chức đã thực hành nghi lễ rước phẩm vật từ Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) qua nhiều điểm di tích thuộc khu phố cổ tới cửa đình, tạo nên một không khí đậm chất Tết phố cổ, thu hút đông đảo công chúng đến tham dự.

Cũng trong dịp này, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội còn tổ chức chuỗi hoạt động đón Tết, tái hiện nét đẹp Tết xưa tại nhiều địa chỉ văn hoá trong phố cổ như: Giới thiệu hoạt động đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa, với việc tổ chức gói bánh chưng; lễ cúng Táo quân và ngày Tất niên giới thiệu nghệ thuật chơi hoa thủy tiên... tại Ngôi nhà di sản (87 phố Mã Mây)…

Trong khi đó, phố bích họa Phùng Hưng tổ chức không gian chợ xuân giới thiệu các sản phẩm truyền thống, như: Tranh dân gian, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he, các mặt hàng phục vụ ngày Tết và trình diễn, giao lưu một số loại hình âm nhạc truyền thống gồm hát xẩm, múa xòe Thái, đờn ca tài tử…

Đọc thêm