Tết "đeo bám" bệnh viện

(PLO) - Cho đến giờ này, Tết đã qua gần một tuần nhưng theo thống kê từ Bộ Y tế, rất nhiều bệnh nhân của nạn say rượu đánh nhau, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật… vẫn đang phải nằm trong viện, kéo theo cảnh bao gia đình khốn khổ.
Tết "đeo bám" bệnh viện

Bộ Y tế cho hay, trong 6 ngày Tết (từ ngày 7 đến ngày 12/2/2016), các bệnh viện (BV) trên toàn quốc đã tiếp nhận tổng số 3.391 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, trong đó có 10 ca tử vong. Số ca đánh nhau nhiều nhất rơi vào thời điểm giao thừa. Cụ thể trong 3 ngày nghỉ Tết đầu tiên, cả nước có gần 2.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Những ngày kế tiếp, trung bình mỗi ngày có hơn 300 bệnh nhân. 

Cả nước đã ghi nhận gần 2.000 trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu trong 3 ngày nghỉ Tết. Mặc dù số lượng người bị ngộ độc rượu có giảm nhẹ so với cùng thời điểm dịp Tết Ất Mùi 2015 nhưng vẫn ở mức đáng báo động. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn cảnh báo về tình trạng nhập viện do pháo nổ. Theo đó, tính đến sáng mùng 4 Tết (tức ngày 11/2), cả nước đã có 100 trường hợp nhập viện do pháo nổ (không có tử vong), trong đó riêng 3 ngày từ 29 Tết (mùng 2 Tết) đã có 98 người nhập viện do pháo nổ, tăng gấp đôi so với Tết Ất Mùi. 

Bác sĩ Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương thì cho biết, những trường hợp chấn thương mắt do hoả khí, vật liệu nổ thường rất nặng. Nạn nhân có thể bị bỏng do cháy, dị vật chui vào mắt, vỡ, lòi nội nhãn, mắt mất chức năng, gần như bị mù. 

Theo Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai thông báo, cả kỳ nghỉ Tết, Trung tâm tiếp nhận tới 65 bệnh nhân, trong đó có hơn 20 ca ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và thuốc diệt chuột; 7 ca ngộ độc rượu, 7 ca ngộ độc thực phẩm, 5 ca ngộ độc ma túy, 6 ca ngộ độc tân dược... Trong số các ca ngộ độc hóa chất, có 1 trường hợp uống thuốc diệt cỏ tự vẫn và đã tử vong. Còn hầu hết các trường hợp khác đều nói do uống nhầm phải thuốc độc. 
Có mặt tại BV Việt Đức sáng 18/2, phóng viên vẫn gặp không ít bệnh nhân bị chấn thương nặng phải nằm điều trị nội trú trong BV. PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Việt Đức cho hay, số ca cấp cứu tập trung đông nhất trong các ngày mùng 3, 4, 5 Tết. Trong đó có 32 ca tử vong, số ca bị tai nạn thương tích chiếm tới 70-80% (tai nạn giao thông là 60%), đáng buồn khi rất nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông nặng do sử dụng bia rượu, không làm chủ được tốc độ. Đặc biệt, có 2 trường hợp phụ nữ mang thai chưa đến ngày sinh nhưng phải sinh mổ tại BV vì bị đa chấn thương quá nặng. 
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, sau Tết (từ ngày 15/2 đến nay), số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh lý thông thường khác (xương khớp, chấn thương cột sống, chấn thương sọ não…) bắt đầu gia tăng (trung bình từ 800-900 bệnh nhân/ngày). Trong những ngày Tết, mặc dù BV đã bố trí lực lượng cán bộ trực, trang thiết bị đầy đủ nhưng do lượng bệnh nhân nặng nhập viện đông nên số máy thở không đủ cấp cứu phải huy động các sinh viên nội trú bóp bóng để cấp cứu bệnh nhân. 

Đọc thêm