Tết là về với nguồn cội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một năm bươn chải, tảo tần vì công việc và mưu sinh cũng đã qua để nhường chỗ cho chúng ta dành thêm thời gian nghĩ về nguồn cội. Càng đến những ngày giáp Tết, nhịp sống của con người dường như hối hả hơn để ấp ủ, dự định cho mong muốn có thêm một cái Tết sum vầy, đoàn viên.
Tết là về với nguồn cội

Lắng lại để chiêm nghiệm…

Những người nông dân ngoài đồng ruộng đang nhanh tay cày bừa, vun xới cho những ngày cấy trong giá lạnh giữa Đông. Những người công nhân trong nhiều nhà máy, công xưởng, xí nghiệp, hầm mỏ xa nhà, xa quê đang gắng nhận làm thêm ca, thêm buổi, thêm công để thêm lương, có thưởng.., để có tiền mua vé tàu, vé xe chuẩn bị về quê đón Tết. Những người ở nhà, ở quê cũng khẩn trương chăm sóc thêm rau củ quả trong vườn, nuôi ít con gà, con vịt để chờ đợi con cháu nơi xa về nhà ăn Tết.

Nhà tôi gần sân bay, không xa ga tàu, bến xe nên càng thấy rõ, nghe rõ, cảm nhận rõ hình ảnh, âm thanh những dòng người tấp nập ngược xuôi mỗi khi Tết sắp đến, Xuân sắp về. Háo hức, rạo rực vô cùng. Cả một năm tất bật với mưu sinh. Thôi thì, còn Tết để còn động lực để chúng ta tìm về với nguồn cội, với quê hương thân thuộc, nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, cho chúng ta sự bình yên và hạnh phúc, cho chúng ta lắng lại với thời gian để chiêm nghiệm cuộc đời.

Tiền bạc, của cải rất quan trọng, nhưng còn những thứ quan trọng hơn nữa là gia đình thân yêu của mình được đoàn viên, sum họp khi Tết đến, Xuân về. Tết là dịp để hướng về nguồn cội - những điều gần gũi thân thương và thiêng liêng - để nhắc nhớ chúng ta và làm mới những giá trị đã có từ ngàn xưa trong văn hóa Việt. “Về quê ăn Tết” không còn là khái niệm xa xôi với những người xa quê mà nó đã trở thành một thành ngữ của người Việt chỉ cuộc hành hương về nguồn cội.

Để nhớ ơn, ghi ơn và tạ ơn

Trước đây, đã có một số người từng đưa ra ý kiến nên bỏ Tết cổ truyền (Tết Ta) để nhập vào Tết Dương lịch (Tết Tây) nhằm hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện đại. Đến bây giờ, có vẻ như điều đó vẫn là những ý tưởng khó khả thi, những tiếng nói lạc lõng trong một cộng đồng bền vững.

Với tôi, hai từ “sum vầy” mang ý nghĩa của đoàn tụ. Đón Tết là về với gia đình mà mỗi thành viên xem đó là nghĩa vụ, quyền lợi và hạnh phúc. Mua sắm đồ lễ để dâng lên bàn thờ gia tiên và con cháu cùng ông bà, cha mẹ vái lạy tổ tiên. Cùng nhau ra nghĩa trang để tảo mộ cho những người đã khuất. Chuẩn bị rửa lá dong, chẻ lạt, ngâm nếp, thái thịt để gói và nấu bánh chưng bên bập bùng bếp lửa. Trang điểm thêm một cành đào phai, chậu quất nhỏ và vài bó hương trầm, vậy là có hương vị Tết.

Điều mà tôi mong chờ là sau khi cúng gia tiên, cả gia đình được cùng sum vầy bên mâm cơm chiều 30 Tết trong mùi bánh chưng mẹ bóc, mùi hương trầm cha thắp. Con cháu nghe ông bà, cha mẹ ôn lại một năm cũ, nhắc nhở, dặn dò trước thềm năm mới. Sáng Mồng 1 Tết, các thành viên trong gia đình ngủ dậy, chào nhau một lời “Chúc mừng năm mới”. Ông bà, cha mẹ mừng tuổi con cháu chăm ngoan, học giỏi; con cháu chúc tụng ông bà, cha mẹ khỏe mạnh, sống lâu.

Trong những ngày Tết, con người trở nên gần gũi với nhau hơn và đây cũng là thời điểm lý tưởng cho mọi người hóa giải những bất đồng, mâu thuẫn giữa người với người trong cuộc sống. Niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng ta có được trong cuộc đời này mà cha ông ta vẫn thường đúc kết, nhắc nhớ là “Vui như Tết”. Tối thiểu trong 3 ngày Tết, mọi người đều dẹp cái buồn phiền, cãi vã để cười nói giao hòa với nhau, cùng mang đến niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Tết với người Việt còn là những ngày của lạc quan và hy vọng.

Về với Tết là về với nguồn cội. Ảnh minh họa: thuthuatphanmem.vn

Về với Tết là về với nguồn cội. Ảnh minh họa: thuthuatphanmem.vn

Tết với người Việt, như là sinh nhật của tất cả mọi người để khi gặp nhau là mừng cho nhau thêm một tuổi. Tết cũng là cơ hội để nhớ ơn, ghi ơn và tạ ơn. Với đa số người Việt, Tết cổ truyền sẽ không mất đi dù xã hội ngày càng phát triển, văn minh trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Tết cổ truyền ngày càng khẳng định mạnh mẽ về một bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.

Với tôi, điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời là gia đình, quê hương, Tổ quốc. Tết để về với cội nguồn và nhớ đến cội nguồn là nghĩ đến Tết. Ai cũng có quê hương, mỗi người khi trên hành trình về quê với Tết đều có những hoàn cảnh và cảm xúc không giống nhau. Có lẽ, trên mỗi chuyến tàu, chuyến xe về quê với Tết, họ đều trở nên gần gũi như con một nhà cùng trở về đón một cái Tết sum vầy trong lòng dân tộc.

Đó là một trong những nét đẹp truyền thống văn hóa được hun đúc, trân trọng, giữ gìn của những người con Lạc, cháu Hồng từ thuở Hùng Vương dựng nước./.

Về quê với Tết là dịp để quay về về nguồn cội - những điều gần gũi thân thương và thiêng liêng - để nhắc nhớ chúng ta và làm mới những giá trị đã có từ ngàn xưa trong văn hóa Việt.

Đọc thêm