Tết này không phải khăn gói đi chữa bệnh

(PLO) - Sau hơn một năm thực hiện chính sách luân phiên bác sĩ, cán bộ y tế bệnh viện cấp thành phố với các bệnh viện quận, huyện của ngành Y tế Hà Nội đã đạt được những hiệu quả bất ngờ. 
Các bệnh viện tuyến dưới đều được trang bị các máy móc hiện đại
Tết này, bà con ở các vùng xa xôi khấp khởi mừng vui vì nếu chẳng may ốm đau trong những ngày đầu năm sẽ không phải khăn gói lên thành phố khám chữa bệnh mà tin tưởng điều trị ở bệnh viện địa phương vì bệnh viện đã được lắp đặt những trang thiết bị hiện đại, được các bác sĩ giỏi chuyên môn của thành phố về khám chữa bệnh cho mình.
“Vợ tôi sống rồi!”

BS Trần Thế Quang – Trưởng phòng mổ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn còn nhớ như in ca cấp cứu “thử lửa” trong lần xuống hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ. Vào 4h sáng hôm đó, một sản phụ 41 tuổi bị sẩy thai, băng huyết ồ ạt, nhập viện trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp không đo được… và đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao. Kíp bác sĩ trực vẫn quyết định cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá dù cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phòng mổ và trang thiết bị ở Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ còn nhiều thiếu thốn. 

Bác sĩ Trần Thế Quang và kíp bác sĩ trực 5 người khác nhanh chóng cầm máu – tiếp máu, ngừng tim - kích tim… cho bệnh nhân. Cứ như thế, đến 7h sáng, sự sống của bệnh nhân không còn mong manh trước lưỡi hái tử thần, lúc đó kíp bác sĩ chuyển tuyến mới quyết định chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để tiếp tục điều trị.

Bẵng đi một tháng, rồi bất ngờ người chồng sản phụ đến Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ để cảm ơn các bác sĩ hôm đó đã kịp thời cấp cứu vợ mình nên vợ anh đã được cứu sống. “Vợ tôi sống rồi!”, anh reo lên và không quên biếu các bác sĩ quả mít to nhất trong vườn nhà. 

Ths.BS Nguyễn Thị Thu Hà - Phó khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ cho biết, nếu sản phụ bị băng huyết hôm đó không được cấp cứu kịp thời thì sẽ rất khó khăn khi cấp cứu ở tuyến trên, thậm chí bệnh nhân bị mất máu nhiều có thể tử vong trên đường đi. Đây không phải là trường hợp duy nhất Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ cấp cứu, cứu sống bệnh nhân kịp thời mà còn rất nhiều trường hợp khác.

Không chỉ Khoa Sản mà nhiều chuyên khoa khác của Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ được sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trên. Bệnh viện Xanhpôn tổ chức các buổi khám bệnh “Ngày thứ bảy Xanhpôn tại Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ” với sự tham gia khám chữa bệnh của kíp bác sĩ ( bao gồm bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa, 1 bác sĩ gây mê hồi sức) đã thu hút rất đông bệnh nhân. Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khám 2 ngày/tuần, Bệnh viện Việt Nam - Cu ba, Bệnh viện Y học cổ truyền cử mỗi bác sĩ về bệnh viện khám 1 tháng trời... 
Bà con yên tâm không phải lên thành phố chữa bệnh

Chị Trần Thị Loan 35 tuổi, Sơn Đông, thị xã Sơn Tây cho biết, trên loa truyền thanh xã thông báo có các bác sĩ trên thành phố về khám chữa bệnh, từ sáng sớm, chị đã đến đăng ký khám ngoại khoa vì viêm đại tràng. Đến đây, chị cùng nhiều bà con ở đây rất vui mừng vì được bác sĩ giỏi trên thành phố khám, tư vấn và chữa bệnh mà không phải đi lại tốn kém. 

“Năm ngoái, tôi và gia đình phải đi từ tờ mờ sáng để đến Bệnh viện Bạch Mai xếp hàng cho kịp, hàng trăm người chen chúc chờ đợi mệt lả cả người. Nhưng bây giờ, ơn Đảng, ơn Chính phủ mà bà con không phải lên thành phố chữa bệnh” -  chị Loan bày tỏ niềm vui một cách mộc mạc như thế. 

Từ một Bệnh viện đa khoa hạng III với Khoa Sản chỉ có một bác sĩ sắp về hưu và 6 nữ hộ sinh, cùng trang thiết bị đơn sơ, thiếu thốn, nhưng giờ đây được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hỗ trợ, Khoa Sản của Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ đã có đầy đủ trang thiết bị của bệnh viện hạng I từ các trang thiết bị phòng mổ như máy nội soi, máy thở, bàn mổ, đèn mổ... đến trang thiết bị hồi sức sơ sinh, truyền máu, trữ máu, giường - tủ inox của bệnh nhân... 

Không chỉ trang thiết bị mà cả đội ngũ bác sĩ xuống tăng cường cũng gồm 6 người - đúng bằng một ekip trực tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Số bệnh nhân đến khám, điều trị cũng tăng vọt, nếu như trước đây cả năm mới có khoảng 100 bệnh nhân (khoảng 5 -7 ca đẻ) thì theo thống kê 6 tháng đầu năm 2015 đã có 1000 lượt bệnh nhân tới khám, điều trị, đẻ tại Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ.

Ông Nguyễn Quang Mậu, Giám đốc Bệnh viện Phúc Thọ cho biết, vào thời điểm trước tháng 7/2014, những ca phẫu thuật hầu như Bệnh viện  phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nhưng đến nay trung bình mỗi tháng, Bệnh viện có trên 100 ca mổ ngoại và sản khoa. Riêng Sản khoa, cao điểm có ngày lên đến 6 -7 ca mổ (tương đương với cả tháng trước đây). 

“Trong 9 tháng năm 2015, Bệnh viện đã khám, chữa bệnh cho trên 66.000 lượt người, số bệnh nhân chuyển tuyến giảm rõ rệt. Đặc biệt, ngày Tết bác sĩ còn phải làm việc căng thẳng hơn vì phải thực hiện những ca cấp cứu viêm ruột thừa, dạ dày, hoặc tai nạn giao thông trong dịp Tết mà không cần phải chuyển lên tuyến trên” - ông Nguyễn Quang Mậu phấn khởi. 

Rút ngắn khoảng cách

Theo bà Lưu Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 1/7/2014, ngành Y tế Hà Nội thực hiện chế độ luân phiên cán bộ y tế trong thời hạn 2 năm giữa các bệnh viện của thành phố như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Xanh pôn với bệnh viện tuyến dưới như Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ, Bệnh viện Phú Xuyên... - nơi đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực bác sĩ chất lượng. 

Theo kế hoạch của Sở Y tế Hà Nội, 22 bệnh viện và 15 trung tâm y tế quận, huyện cử 107 bác sĩ, 14 kỹ thuật viên, 4 cử nhân điều dưỡng và 19 điều dưỡng, hộ sinh đi luân phiên hỗ trợ tuyến. Các bệnh viện tuyến trên thực hiện chuyển giao kỹ thuật và tổ chức đào tạo tập huấn cho y tế tuyến dưới. Đã có 79 kỹ thuật ở các chuyên ngành khác nhau như sản, ngoại khoa… được chuyển giao cho bệnh viện tuyến dưới trong năm 2015. 

Việc chuyển giao trang thiết bị, kỹ thuật và luân phiên bác sĩ tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới đã có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ giúp người dân yên tâm khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến dưới, làm giảm tải bệnh viện tuyến trên mà còn tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho người bệnh. 

Cũng nhờ chính sách luân phiên bác sĩ, chuyển giao kỹ thuật xuống bệnh viện tuyến dưới mà đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất đã thực hiện được hơn 30 ca mổ nội soi ruột thừa, u xơ tiền liệt tuyến, đứt dây chằng khớp gối, cắt túi mật, u xơ tuyến giáp. 

Còn Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức cũng được Sở Y tế Hà Nội trang bị máy nội soi hệ thống tiêu hóa và tiết niệu; được các bác sĩ tuyến trên chuyển giao kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc” nhiều kỹ thuật khó nên lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện đã tăng cao. Gần 34 nghìn lượt bệnh nhân (tăng 25%) tới khám; điều trị nội trú cho hơn 9 nghìn lượt bệnh nhân (tăng 38,9%); cấp cứu 2.613 ca (tăng 80,2%); phẫu thuật 580 ca (tăng 64,6% so với cùng kỳ năm 2014)...N.T

Làm tốt công tác khám chữa bệnh ở tuyến dưới có ý nghĩa rất to lớn

“Về mặt chuyên môn, để hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới và người bệnh một cách hiệu quả nhất, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đều cử một kíp trực 6 người: bác sĩ, gây mê, điều dưỡng, hộ lý... - đúng như kíp trực tại bệnh viện - hôm sau lại cử một kíp trực 6 người khác xuống thay thế và cứ hỗ trợ như vậy gần 2 năm nay nên càng được người dân tin tưởng. 

Việc làm tốt công tác khám chữa bệnh ở tuyến dưới có ý nghĩa rất to lớn, không chỉ giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên mà việc cứu chữa bệnh nhân ở tuyến trên cũng hiệu quả hơn vì bệnh nhân đã được sơ cứu kịp thời, trải qua giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng” - ông Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản nhận định.

Đọc thêm