Tết Việt đầy màu sắc qua góc nhìn của học giả Việt Nam và quốc tế

(PLVN) - “Tết Việt Nam xưa” của MaiHaBooks được tuyển dịch kỹ lưỡng từ những bài viết của các học giả Việt Nam và Pháp từng đăng trên Tạp chí Đông Dương. Đối với giới nghiên cứu văn hóa Việt Nam cận đại, Tạp chí Đông Dương là cái tên mang nhiều ý nghĩa, bởi ở đó có sự xuất hiện nhiều cây bút tầm cỡ Việt Nam và Pháp. Đây là một tài liệu quý cho nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Tết Việt đầy màu sắc qua góc nhìn của học giả Việt Nam và quốc tế

Qua những bài viết đặc sắc trên Tạp chí Đông Dương, cuốn sách đã đưa độc giả bước vào hành trình Tết của người Việt qua những nghi lễ, phong tục, thú chơi thấm đẫm “tâm hồn Việt Nam” với bài viết của các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh... Những tư liệu quý này được PGS Nguyễn Mạnh Hùng (Viện Nghiên cứu Việt Nam học) sưu tầm và lưu giữ trong nhiều năm qua. 

Đặc biệt, các bài viết được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết ngộ nghĩnh, sống động. Gói trong gần 200 trang, sách Tết Việt Nam xưa được chia thành ba phần chính: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết và Thú chơi Tết. 

Hoài niệm Tết xưa....
Hoài niệm Tết xưa....

“Nghi lễ Tết” là những bài viết về các chủ đề: Tết và thờ cúng gia tiên; Ông Tam Đa; Lễ nghinh xuân ở Huế; Đại lễ Nam Giao; Lễ tế Đất Trời tại kinh đô Huế; Lịch của người An Nam; Tâm lý ngày Tết.

“Phong tục Tết” hiện lên đầy màu sắc với: Lá thư Đêm Giao Thừa; Tết ở làng quê qua góc nhìn của nhà văn Pháp Jean Marquet; Tết qua cái nhìn của một người An Nam; Tết qua câu chuyện của những du khách và nhà truyền giáo người Âu (thế kỷ XVII và XVIII); Tết Việt Nam trong mắt sử gia Georges Pisier.

 

 “Thú chơi Tết” xoay quanh các chủ đề: Hoa thủy tiên trong ngày Tết; Đối liễn; Phúc và Thọ; Nguồn gốc và ý nghĩa của tranh dân gian ngày Tết; Hội Lim…

Một trong những điểm thú vị của “Tết Việt Nam xưa” là những bài viết về những nghi lễ Tết gần như không còn nữa hoặc mới được phục dựng. Chẳng hạn, Lễ nghinh xuân ở Huế hay đúng hơn là lễ cầu khấn các thần nông nghiệp để xin họ bảo vệ đất đai trồng trọt, mang lại sự phì nhiêu và vụ mùa bội thu. Hay, Đại lễ Nam Giao qua lời kể của nhà văn hóa Phạm Quỳnh -là buổi lễ gây ấn tượng mạnh, thu hút sự tò mò chú ý của người dân nhưng ít người biết đến ý nghĩa sâu xa của nó. Lễ tế đất trời tại Kinh đô Huế qua góc nhìn của giáo sư, nhà nghiên cứu người Pháp Paul Boudet cũng rất chi tiết về những ý nghĩa và từng nghi thức.

Không khí đón Tết xưa- Tết nay.
Không khí đón Tết xưa- Tết nay. 

Sống và làm việc nhiều năm ở Đông Dương, nhà văn Pháp Jean Marquet có bài viết thú vị Tết ở làng quê. “Thật ngọt ngào biết bao khi thấy trước được những bữa tiệc linh đình, những cuộc nhậu nhẹt, những ván bài, những trận chọi gà, là những lời chúc thân tình mà những ngày Tết sẽ lan tỏa trên các gia đình ở phương nam thái bình!”.