Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội (Seaprodex Hà Nội) bị bãi miễn vì không làm theo chỉ đạo của Hội đồng Quản trị (HĐQT) cho dù chỉ đạo này không đúng pháp luật.
Bắt lỗi cả việc không làm sai
Năm 2008, Cty Seaprodex Hà Nội kinh doanh một lô thép tấm giá mua vào là hơn 13 tỷ đồng; cty đã bán lô hàng này cho Cty Thái Sơn giá 14 tỷ148 triệu đồng. Trên sổ sách, đây là một thương vụ có lời. Cty Thái Sơn mới thanh toán trước gần 4,2 tỷ đồng. Song, trong lúc hàng hóa đang được lưu kho của Cty Tân Tiến tại Hải Phòng, Cty Tân Tiến đã xuất kho trái phép toàn bộ lô thép cho Cty Thái Sơn tiêu thụ. Số tiền mà Cty Thái Sơn phải thanh toán cho Seaprodex Hà Nội cũng bị doanh nghiệp này "ỉm" luôn.
Trước tình thế hàng hóa bị đối tác mang đi khi chưa được phép, Cty Seaprodex Hà Nội đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xác minh và xử lý theo pháp luật. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang làm rõ vụ việc có dấu hiệu của hành vi tội phạm hay là một vụ tranh chấp hợp đồng thương mại.
Về phía Cty Seaprodex Hà Nội, lãnh đạo Cty đã xem xét để áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro cho lô hàng, trong đó có việc trích lập dự phòng tài chính cho khoản nợ chưa thu hồi được. Theo ý kiến của Tổng Giám đốc, do chưa đánh giá được tổn thất thực tế nên mức trích lập dự phòng của lô hàng chỉ có thể “vận dụng” để áp dụng bằng khoảng 30% giá trị công nợ bị chiếm dụng (tương đương gần 2,7 tỷ đồng).
Tuy nhiên, HĐQT Cty yêu cầu Tổng Giám đốc phải trích lập dự phòng toàn bộ số tiền bị chiếm dụng gần 8,9 tỷ đồng. Bà Trần Minh Hà, Tổng Giám đốc thì cho rằng, yêu cầu trên của HĐQT là không có cơ sở. Vì thế, mặc dù nhiều lần họp bàn nhưng giữa HĐQT và Tổng Giám đốc đã không thống nhất được phương án trích lập dự phòng cho lô hàng này.
Theo ý kiến của Bộ Tài chính, việc trích lập dự phòng đối với lô hàng trên là không có cơ sở vì lô hàng này không thuộc danh mục hàng tồn kho, không đủ điều kiện trích lập dự phòng. Như ý kiến này thì cách trích lập “vận dụng” của Tổng Giám đốc là hợp lý hơn chỉ đạo của HĐQT.
Mặc dù đã làm đúng, nhưng bà Trần Minh Hà đã bị quy tội “không làm theo chỉ đạo của HĐQT”. Trong cuộc kiểm tra Cty Seaprodex Hà Nội, Tổng Cty thủy sản Việt Nam, doanh nghiệp chiếm 59% vốn của Seaprodex Hà Nội cho rằng, bà Hà đã không thực hiện Nghị quyết của HĐQT, ký kết hợp đồng còn sơ hở và phải chịu trách nhiệm của những mâu thuẫn giữa HĐQT với Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng. Ngay sau đó, bà Hà bị Tổng Cty thủy sản Việt Nam thay thế vai trò người đại diện phần vốn Nhà nước tại Seaprodex Hà Nội.
Cuộc “lật đổ” không đúng pháp luật?
Ngay sau khi bà Hà bị thay thế là người đại diện 15% vốn Nhà nước tại SeaProdex Hà Nội, HĐQT Cty SeaProdex Hà Nội đã họp “bất thường” và ra Nghị quyết 448, ngày 24/12/2010 xác định bà Hà không còn đủ tư cách thành viên HĐQT vì lý do bà Hà không còn là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Seaprodex Hà Nội. Phiên họp bất thường này chỉ có 3/5 thành viên của HĐQT.
Nghị quyết “bất thường” trên cũng có nội dung “bãi miễn” chức vụ Tổng Giám đốc của bà Hà đồng thời bổ nhiệm ông Lê Công Đức vào vị trí Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Phú Cường, thành viên HĐQT làm Phó Tổng giám đốc.
Sau nghị quyết này, ngày 27/12/2010, ông Lê Công Đức với tư cách là Chủ tịch HĐQT đã ký Quyết định 449 bãi miễn chức vụ Tổng Giám đốc đối với bà Hà và ký Quyết định 450 bổ nhiệm ông Nguyễn Phú Cường làm Phó Tổng Giám đốc; Còn chức vụ Quyền Tổng giám đốc của ông Đức thì do ông Cường bổ nhiệm. Như vậy, ông Đức và ông Cường đã thực hiện việc bổ nhiệm lẫn nhau và hoàn thành việc thay thế bộ máy điều hành Cty SeaProdex Hà Nội.
Việc bổ nhiệm lẫn nhau không chỉ là một hình ảnh không đẹp mà còn có dấu hiệu của một loạt việc làm trái pháp luật. Trước tiên là việc HĐQT họp “bất thường” vào ngày 23/12/2010. Theo Điều lệ Cty, HĐQT có 5 người và chỉ có thể tiến hành khi có ít nhất ¾ số thành viên của HĐQT tham dự. Nhưng, phiên họp bất thường này chỉ có 3 thành viên tham dự cuộc họp; hai thành viên còn lại là bà Hà và ông Đặng Đình Bảo không được họp vì bị 3 thành viên còn lại xác định là “không đủ tư cách thành viên HĐQT của Cty SeaProdex Hà Nội”.
Việc xác định tư cách thành viên HĐQT đối với bà Hà cũng trái với Điều lệ Cty và Luật Doanh nghiệp. Theo Điều lệ Cty, thành viên của HĐQT do Đại hội đồng cổ đông bầu và bãi miễn. Bà Hà chưa bị Đại hội đồng cổ đông bãi miễn thì liệu có “mất tư cách”?.
Trong Điều lệ Cty có quy định, thành viên của HĐQT không còn tư cách nếu không còn là đại diện của cổ đông pháp nhân. Phải chăng, vì việc bà Hà bị thay thế vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước tại SeaProdex Hà Nội nên HĐQT đã dựa vào đây để loại bà Hà ra khỏi HĐQT và sau đó là bị tước nốt chức Tổng Giám đốc?. Như vậy, chính Tổng Cty thủy sản Việt Nam đã mở đường cho việc “thay tướng” tại Cty SeaProdex Hà Nội?.
Xung quanh việc xác định tư cách thành viên HĐQT Cty Seaprodex Hà Nội, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Anh để làm rõ hơn nhưng băn khoăn xung quanh vấn đề này. - Thưa Luật sư, việc bà Hà không còn là đại diện phần vốn Nhà nước có làm mất tư cách thành viên HĐQT của bà Hà không?
Theo Luật Doanh nghiệp, thành viên HĐQT do Đại hội đồng cổ đông bầu và bãi miễn. Ngay cả trường hợp thành viên của HĐQT không còn là đại diện của cổ đông pháp nhân thì Đại hội đồng cổ đông của Công ty phải họp để bầu lại thành viên này, đảm bảo HĐQT đủ 5 người theo quy định của pháp luật và Điều lệ để HĐQT hoạt động. - Như vậy, việc 3 thành viên của HĐQT họp và quyết định các vấn đề quan trọng của Cty như trên là không đúng pháp luật, thưa ông? - Điều lệ Cty quy định, HĐQT Cty có 5 thành viên và chỉ được tiến hành họp nếu có từ ¾ số thành viên trở lên có mặt. Như vậy, chỉ có 3 thành viên thì HĐQT không thể hoạt động hợp pháp được vì chưa đủ ¾ số thành viên cần thiết theo Điều lệ. Các Nghị quyết, quyết định của HĐQT và Chủ tịch HĐQT được bầu ra từ những phiên họp không đúng pháp luật và Điều lệ này có thể bị khởi kiện và bị hủy do không đảm bảo tính hợp pháp. - Cảm ơn ông. |