TGPL Nghệ An: Lời khẳng định mạnh mẽ cho công lý và nhân văn

(PLVN) - Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh Nghệ An không ngừng nâng cao vai trò, phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế, góp phần đảm bảo công bằng xã hội và củng cố niềm tin vào pháp luật.
Những hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An.
Những hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An.

Từ hành trình bảo vệ gia đình người có công...

Trường hợp gia đình ông C.V.B trú tại huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) là người có công với cách mạng được TGPL miễn phí theo quy định trong vụ án dân sự tranh chấp đất rừng. Năm 2004, gia đình ông B và hộ ông Q. xảy ra tranh chấp về thửa đất mà ông B được cấp và sử dụng từ 1995. Vụ việc được chính quyền địa phương hoà giải và ra quyết định giải quyết đơn khiếu nại theo sự thỏa thuận của các bên.

Năm 2017, gia đình ông Q. làm đơn gửi TAND huyện Anh Sơn để giải quyết, kết thúc phiên sơ thẩm, bị đơn tiếp tục làm đơn đề nghị phúc thẩm. Với các tài liệu, chứng cứ Trợ giúp viên Lê Văn Lý đã quyết tâm để bảo vệ người có quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc.

Trợ giúp viên Lê Văn Lý người đồng hành với nhiều đối tượng yếu thế thuộc đối tượng được trọ giúp

Trợ giúp viên Lê Văn Lý người đồng hành với nhiều đối tượng yếu thế thuộc đối tượng được trọ giúp

Trợ giúp viên Lê Văn Lý đã kiên trì nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu, và đề nghị giám định pháp lý đối với hồ sơ giao đất của bên nguyên đơn. Kết quả giám định chỉ ra dấu vết sửa chữa trong tài liệu, giúp bảo vệ thành công quyền lợi của gia đình ông B. Vụ án khép lại bằng một cuộc hòa giải, giúp hai bên gia đình hàn gắn mâu thuẫn sau nhiều năm căng thẳng.

… đến bảo vệ nam sinh học sinh giỏi mồ côi

Tháng 5/2024, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An nhận được yêu cầu tham gia vụ án trộm cắp tài sản tại huyện Tân Kỳ. Người được yêu cầu bảo vệ trong vụ việc là một học sinh lớp 10, gây ra một vụ trộm cắp tài sản để nướng vào game online. Cũng như những vụ việc khác, trợ giúp viên Lê Văn Lý đã tiếp cận mọi thông tin từ hồ sơ vụ án cho đến hoàn cảnh gia đình để thấu hiểu hơn về mọi góc cạnh của vụ việc.

“Qua tìm hiểu tại trường, thầy cô giáo đánh giá, nam sinh là một đứa trẻ ngoan ngoãn, siêng năng và đặc biệt là nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường. Tìm hiểu sâu hơn, được biết cháu bé có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, bố mẹ sau khi ly hôn đều đã lập gia đình mới, kinh tế cũng không mấy khá giả. Cháu bé ở với bà cố nội tuổi đã cao, không có người lớn kèm cặp, theo sát bên cạnh nên dễ vướng vào những cám dỗ mà đây là chơi game”, trợ giúp Lý cho biết.

Trợ giúp viên bảo vệ các đối tượng trong các phiên toà

Trợ giúp viên bảo vệ các đối tượng trong các phiên toà

Vụ án được đưa ra xét xử, với lương tâm của một trợ giúp viên, không ai muốn một đứa trẻ ngoan phải chịu án phạt tù mà khép lại tương lai của mình, với quyết tâm để được mức án cải tạo không giam giữ và tiếp tục đi học. Sau nhiều nỗ lực bảo vệ trước toà, trợ giúp viên Lê Văn Lý và gia đình cùng với thầy cô giáo đã vỡ oà khi toà tuyên bé được hưởng mức án 10 tháng cải tạo không giam giữ. Giờ đây, bé trai vẫn ngày ngày đến trường và được thầy cô giáo quan tâm để bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi và đặc biệt hơn là em đã nhận ra sai lầm của mình bỏ luôn game để chú tâm học hành.

…bảo vệ trẻ em và phụ nữ khỏi bóng tối

Hay vụ việc đau lòng, đứa trẻ bị “cha dượng” hiếp dâm tại Quỳnh Lưu vừa xảy ra trong thời gian gần đây. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, qua các tài liệu chứng cứ cho thấy, người “cha dượng” làm ca nên trở về nhà vào khoảng 2-3 giờ chiều khi vợ đi làm chưa về. Thời điểm nghỉ hè, chỉ có con gái riêng của vợ ở nhà nên “cha dượng” đã nảy sinh ý đồ hãm hại. Cháu bé ngây thơ đã rơi vào bẫy của “cha dượng” bị lợi dụng dở trò đồi bại. Khi vụ việc bị phát hiện, Công an huyện Quỳnh Lưu đã vào cuộc, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Tiên Viên (SN 1978, trú tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu) về tội hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi, chuyển hồ sơ cho công an tỉnh điều tra, xử lý.

Bên cạnh công tác trợ giúp thì các buổi truyền thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai để đưa luật đến gần với người dân

Bên cạnh công tác trợ giúp thì các buổi truyền thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai để đưa luật đến gần với người dân

“Qua trò chuyện với bị hại, đứa bé sợ hãi kể sự việc, tuy nhiên cháu còn bé và lo lắng nên nhiều tình tiết cháu không nhớ rõ. Qua nhận định của người trợ giúp viên, tôi đã trao đổi với đại diện Viện kiểm sát về quan điểm của mình và đề nghị khởi tố bị can thêm về tội Dâm ô với trẻ dưới 16 tuổi và được phía Viện đồng ý. Sau khi đề nghị, CQĐT đã khởi tố đối tượng Lê Tiên Viên thêm về tội Dâm ô người dưới 16 tuổi", trợ giúp viên Lê Văn Lý chia sẻ.

Vụ án khép lại với bản án 13 năm tù cho tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi và 3 năm tù về tội Dâm ô người dưới 16 tuổi, tổng hình phạt là 16 năm tù giam. Sự can thiệp kịp thời không chỉ bảo vệ quyền lợi cháu bé mà còn răn đe mạnh mẽ hành vi vi phạm pháp luật.

Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An hiện có 15 trợ giúp viên pháp lý, ngoài trụ sở chính, hiện có 3 chi nhánh tại thị xã Thái Hòa; Tương Dương và Diễn Châu để phục vụ các đối tượng ở các khu vực. Trung tâm có 3 viên chức có trình độ thạc sỹ; 18 viên chức có trình độ đại học; Trình độ lý luận chính trị 2 Cao cấp; 5 trung cấp…

Bảo vệ công lý, thắp sáng niềm tin cho những mảnh đời yếu thế

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý chiếm khoảng 50% dân số chủ yếu tập trung ở những vùng có địa hình phức tạp, hiểm trở, kinh tế khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại không thuận lợi nên công tác tuyên thông về trợ giúp pháp lý chưa đến được với nhiều người dân…

Trong năm 2023, Trung tâm đã thụ lý 1441 vụ, việc trong đó việc tư vấn: 175 việc; vụ việc đại diện ngoài tố tụng là 9; vụ việc tham gia tố tụng và là 1257 vụ việc (kì trước chuyển qua 327, thụ lý trong kỳ 805 vụ, việc). Tổng số lượt người được TGPL là 1069/lượt/1441 vụ việc, trong đó số lượt người được trợ giúp bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng là 894 lượt/1441 vụ việc. Triển khai 37 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật về cơ sở cho các xã, thôn, bản với hơn 2.300 lượt người tham dự.

Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An Nguyễn Ngọc Thanh
Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An Nguyễn Ngọc Thanh

Kết thúc 5 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã thụ lý và thực hiện được 881 vụ, việc. Trong đó 40 việc tư vấn đơn giản, 838 vụ việc tham gia tố tụng, 3 vụ việc đại diện ngoài tố tụng (kì trước chuyển qua 369 vụ việc, thụ lý trong kì 472 vụ việc). So với cùng kì năm 2023, tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng tăng 10,8%.

Số lượt người được TGPL trong kì là 357 lượt, trong đó 317 lượt người được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng. Các đối tượng được hưởng TGPL chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn 142 lượt; người bị buộc tội từ đủ 16 đến 18 tuổi 111 lượt; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo 15 lượt, trẻ em 25 lượt; người thuộc hộ nghèo 12 lượt và một số đối tượng khác.

Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ, hoạt động TGPL đang ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mình, đó là thực hiện chức năng xã hội của nhà nước, giúp đỡ về mặt pháp luật cho người nghèo, người dân tộc thiếu số, người có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội. TGPL đang dần trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống pháp luật của mọi người dân, đặc biệt là những người được thụ hưởng chính sách tại 3 huyện nghèo của tỉnh, vai trò của tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL được biết đến nhiều hơn.

Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An đã và đang trở thành "cầu nối công lý" cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Đây không chỉ là nơi thực hiện trách nhiệm xã hội của Nhà nước mà còn là biểu tượng của sự nhân văn và công bằng trong xã hội hiện đại. “Công lý không chỉ tồn tại trong phán quyết của tòa án, mà còn hiện diện trong từng nỗ lực giúp đỡ người yếu thế của những người thực hiện TGPL.”

Đọc thêm