Xét tuyển học bạ từ 6,0
Nhiều trường đại học vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2017. Trong đó, chỉ tiêu, khối xét tuyển, ngành học có nhiều điều chỉnh. Chỉ tiêu dự kiến của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP HCM như sau: ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển 3.040 chỉ tiêu ở bậc ĐH và 300 chỉ tiêu bậc CĐ; ĐH Bách khoa 3.800 bậc ĐH và 150 bậc CĐ; ĐH Kinh tế - Luật 1.400; ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn 2.850; ĐH Quốc tế 1.180; ĐH Công nghệ Thông tin 1.000; Khoa Y 175. Điều kiện chung nhận hồ sơ xét tuyển: Tốt nghiệp THPT. Ở bậc ĐH, thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình 3 năm học (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở lên. Bậc CĐ: Thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình 3 năm học (lớp 10, 11, 12) từ 6 trở lên.
ĐH Công nghiệp Thực phẩm cũng công bố phương án tuyển sinh dự kiến. Ông Phạm Thái Sơn - Phó trưởng Phòng đào tạo cho biết, trường tuyển sinh 17 ngành thuộc 2 tổ hợp môn A00, A01, D01, B00 và A00, A01, D01, TN; lấy 90% chỉ tiêu xét từ điểm thi THPT quốc gia, 10% xét từ kết quả học bạ THPT. Điều kiện là điểm tổng kết của từng năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 6 trở lên. Về phương án xét tuyển CĐ, trường tuyển sinh 8 ngành, mỗi ngành 30-40 chỉ tiêu. Trong đó, 50% chỉ tiêu xét từ điểm thi THPT quốc gia, 50% xét từ kết quả học bạ THPT. Điều kiện là điểm tổng kết của các năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 5 trở lên.
Ở phía Bắc, ĐH Ngoại thương đã chốt phương án tuyển sinh ĐH năm 2017. Theo đó, năm 2017, trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài điều kiện điểm 3 môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường, trường sẽ vẫn duy trì điều kiện sơ tuyển của thí sinh là điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên. Năm 2017, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 3.750, tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2016.
Năm nay, trường bổ sung ngành mới là kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản với 50 chỉ tiêu. Đặc biệt, trường đã quyết định bổ sung tổ hợp xét tuyển mới bên cạnh các tổ hợp xét tuyển truyền thống trong tuyển sinh các năm trước. Tổ hợp xét tuyển mới là D07, gồm 3 môn Toán - Hóa học - Tiếng Anh được áp dụng trong xét tuyển ở hầu khắp các ngành, chuyên ngành (trừ nhóm ngành ngôn ngữ).
Tại Trường ĐH Luật, ngành Luật (gồm các chuyên ngành: Luật Hành chính - Nhà nước, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế) và Luật Kinh tế (gồm các chuyên ngành: Luật Hợp đồng, Luật Tổ chức kinh doanh) sẽ sử dụng tổ hợp mới là: Toán - Văn - tiếng Pháp.
“Thả” đầu vào, có “chặt” được đầu ra?
Quy chế năm nay cho phép học sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ nhưng các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên. Khi tính điểm, nếu xét nguyện vọng 1 thí sinh đã đỗ thì phần mềm xét tuyển sẽ không xét nữa. Nếu thí sinh không đỗ nguyện vọng 1, phần mềm mới chuyển sang xét nguyện vọng 2. Có nghĩa, nếu với những thí sinh quyết vào ĐH bằng mọi giá, các em có thể đăng kí hàng trăm trường, nếu muốn, cho tới khi các em đỗ.
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Theo quy định, thời điểm đó, Bộ cũng đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường ĐH, CĐ đã điều chỉnh hoặc công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ và trang thông tin điện tử của trường trước ngày 15/7.
Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian này và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức tự điều chỉnh trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng ( Bộ GD-ĐT) lưu ý thí sinh về việc điền phiếu đăng ký dự thi năm nay có điểm khác so với các năm trước. Cụ thể, phiếu này có hai mặt, một mặt đăng ký dự thi THPT quốc gia, một mặt đăng ký xét tuyển ĐH.
Thêm nữa, theo các chuyên gia tuyển sinh, kỳ thi sắp tới mỗi thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn trước, nhất là việc được đăng ký cả hai tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội để dự thi, điểm thi của tổ hợp môn nào cao hơn sẽ lấy làm căn cứ để xét tốt nghiệp. Đặc biệt, thi nhiều môn sẽ là lợi thế để thí sinh sử dụng từng môn thành phần tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức đối với các thí sinh, bởi nếu đăng ký thi toàn bộ các môn, thí sinh sẽ phải thi tổng cộng 9 môn, thí sinh dễ bị trượt chỉ vì quá ôm đồm. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, quy định này nhằm khuyến khích các thí sinh dự thi thêm các môn, hướng tới học toàn diện, khắc phục dần tình trạng học lệch. Việc lấy điểm bài thi cao hơn để xét công nhận tốt nghiệp là để đảm bảo quyền lợi cho các em.
Trường hợp nếu thí sinh bỏ một môn thành phần của bài thi Tự nhiên hoặc Xã hội thì môn đó bị điểm 0 (điểm liệt). Nếu đăng ký thi bài thi tổ hợp này để xét công nhận tốt nghiệp thì sẽ không đủ điều kiện tốt nghiệp. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm trước, dự thi lấy kết quả để xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì thí sinh phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi Tự nhiên hay Xã hội phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành của các trường ĐH, CĐ, ông Mai Văn Trinh chia sẻ thêm.
Ở góc độ khác, ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, dự thảo quy chế tuyển sinh mới rất thông thoáng, có lợi cho cả các trường và thí sinh. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng, số trường, số ngành không giới hạn. Đây là chính sách mở đầu vào, thắt đầu ra đại học, Bộ sẽ tăng cường giám sát suốt quá trình học và đặc biệt là chuẩn đầu ra.
Và theo ông Triệu, việc cho thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng trước khi thi là có lợi cho các trường để biết có khoảng bao nhiêu thí sinh đăng ký; việc quy chế cho thí sinh sửa nguyện vọng bằng hình thức online không rườm rà, không sai sót hồ sơ đăng ký như các năm trước. Việc Bộ sửa những lỗi nhỏ này đã tạo ra lợi ích rất lớn.
Tuy vậy, thực tế, việc lo lắng của nhiều người là tuyển sinh ồ ạt dẫn tới chất lượng kém là hoàn toàn có cơ sở. Khi đó, đào tạo nếu không quản được chặt đầu ra sẽ là một sự lãng phí về kinh tế và thời gian. Song ông Triệu cho rằng, bây giờ không phải 10 năm trước.
Thí sinh, phụ huynh đã nhận thức rõ việc học đại học. Năm trước có 20% thí sinh có điểm trên điểm sàn nhưng không học đại học mà đi học nghề. Đặc biệt, phong trào khởi nghiệp hiện nay rất mạnh nên nhận thức xã hội thay đổi. Do vậy, các trường muốn thu hút thí sinh chỉ bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để tạo uy tín xã hội. Bởi, phụ huynh và thí sinh bây giờ tính toán rất kỹ khi học đại học vì họ đầu tư sức lực, thời gian, tiền bạc… thậm chí cả tương lai vào chọn trường nên cân nhắc hơn, họ không ăn “xổi” nữa.
Có thể nói, cùng với xét tuyển học bạ và “ thả cửa” vào ĐH, lần đầu tiên Việt Nam sẽ bắt đầu xu hướng “thả” đầu vào, “chặt” đầu ra, nghĩa là các em học tốt mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều lo ngại tiêu cực khi mà xã hội bằng cấp và số lượng cử nhân thạc sỹ thất nghiệp vẫn là câu chuyện dài. Và trên thực tế, để vào được ĐH ở những trường tốp đầu, vẫn luôn là những thí sinh học giỏi chứ không hẳn là sự dễ dàng. Thí sinh cần tỉnh táo lựa chọn trường phù hợp với năng lực của chính mình…