Thách thức bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngành thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế biển của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh. Nhưng trong quá trình phát triển, ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với không ít những thách thức, trong đó có vấn đề môi trường và suy thoái hệ sinh thái ven biển.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các hệ sinh thái ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Hữu Tuấn)
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các hệ sinh thái ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Hữu Tuấn)

Nhiệm vụ triển khai đề án

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành thủy sản được đánh giá là ngành chịu tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường và cũng là ngành sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển bền vững ngành thủy sản. Trong đó, để giải quyết vấn đề môi trường ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 về Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Đề án 911).

Đề án 991 nhằm mục tiêu kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính...

Đây là hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MDC)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ thông qua Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), triển khai từ năm 2021 - 2025. Dự án đặt mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái biển quan trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào các khu vực được lựa chọn tại hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng, nhằm nâng cao công tác quản lý ngành thủy sản địa phương một cách bền vững.

Thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ môi trường ngành thủy sản, các bên liên quan cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ ưu tiên: phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; mô hình sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải… Đồng thời tăng cường nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường ngành thủy sản, bao gồm cả việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhất là sự tham gia của cộng đồng ngư dân, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nuôi, khai thác, chế biến, hậu cần dịch vụ...

Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm

Ông Chu Thế Cường, chuyên gia của IUCN Việt Nam cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 700km đường biển, với diện tích 360.000km2, là nơi sinh sản và môi trường sống thuận lợi với tài nguyên thủy sản phong phú nhất Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên biển đang đối mặt với nhiều mối nguy hại như: khai thác thủy sản quá mức, hoặc bằng các phương pháp tận diệt đã làm giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên thủy sản. Ngoài ra, ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành vấn đề môi trường gây bức xúc nhất tại biển trong khu vực.

Đại diện IUCN tại Việt Nam - ông Andrew Wyattchia cho biết, dự án MDC có mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái ven biển, phục hồi rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản, bảo đảm sinh kế ngư dân; tăng cường quản lý bảo tồn biển tại Khu Bảo tồn biển Phú Quốc và hỗ trợ sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản ở Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc. Ngoài ra, dự án hỗ trợ các sáng kiến, giải pháp bảo vệ môi trường dựa vào thiên nhiên nhằm quản lý chất thải trong hoạt động nuôi tôm; giảm thiểu rác thải nhựa đại dương bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường biển; thúc đẩy sáng kiến cộng đồng hướng tới hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng ngư dân thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua khai thác và sử dụng thông minh nguồn lợi thủy sản...

Đọc thêm