Thách thức của gạo Việt tại thị trường Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đông Nam Á trở thành thị trường nhập khẩu (NK) gạo lớn nhất của Việt Nam, trong đó Philippines và Indonesia là 2 thị trường chính. Dù thế, những “sứ giả thương mại” của Việt Nam tại thị trường này vẫn nhắc nhở Việt Nam cần giữ vững vị trí số 1 trong bối cảnh nhiều quốc gia lân cận cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu (XK) gạo.
Việt Nam cần bảo đảm chất lượng, giữ vững ngôi vị xuất khẩu gạo số 1 tại thị trường lớn. (Ảnh: TTXVN).
Việt Nam cần bảo đảm chất lượng, giữ vững ngôi vị xuất khẩu gạo số 1 tại thị trường lớn. (Ảnh: TTXVN).

Sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan

Ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, những năm trước đây, Philippines mua gạo theo phương thức đàm phán liên chính phủ, Việt Nam luôn phải cạnh tranh cùng với Thái Lan - là hai đối tác XK gạo lớn cho Philippines. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, khi Philippines ban hành và thực thi Luật số 11203 cho phép tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo, dỡ bỏ hạn ngạch và các hạn chế NK gạo thì Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo quan trọng, luôn giữ vị thế số 1 XK gạo vào thị trường Philippines.

“Năm 2023, dù gạo của Việt Nam xuất sang Philippines giảm so với 2022 nhưng vẫn chiếm gần 87% tổng lượng gạo NK của Philippines. Với lượng gạo NK hàng năm trung bình chiếm khoảng 85% trong tổng lượng gạo NK, gạo của Việt Nam không chỉ là mặt hàng NK thông thường phục vụ tiêu dùng, mà còn là mặt hàng quan trọng nhằm bảo đảm an ninh lương thực, ổn định kinh tế vĩ mô của Philippines” - ông Thành đánh giá.

Từ thực tiễn thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho rằng năm 2024, nhu cầu NK gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự kiến khoảng từ trên 3,5 - 3,8 triệu tấn. Ông Thành đánh giá, mặc dù sẽ gặp không ít khó khăn nhưng trong những năm tới, gạo Việt Nam dự báo vẫn sẽ giữ vững vị trí số 1 tại thị trường Philippines và dư địa cơ hội vẫn còn để doanh nghiệp XK gạo của Việt Nam tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch.

Ngoài ra, theo ông Thành, năm 2024 sẽ tiếp tục có nhiều biến động khó dự báo, lệnh cấm XK gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng NK gạo đã tạo nhiều cơ hội hơn cho XK gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Philippines luôn là thị trường XK gạo quan trọng của Việt Nam, vì vậy, Thương vụ kiến nghị các doanh nghiệp XK gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng vẫn phải luôn quan tâm duy trì bảo đảm vị thế số 1 XK gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần XK gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng cho rằng, mặc dù gạo Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Indonesia, tuy nhiên chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước, duy trì chính sách quản lý NK chặt chẽ đối với mặt hàng lúa gạo sẽ khiến nhu cầu NK gạo của Indonesia có xu hướng sụt giảm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo Thái Lan ở phân khúc chất lượng cao, trong khi nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét.

Cần giữ vững chất lượng gạo

Để giữ vững vị trí số 1 tại 2 thị trường lớn trong Đông Nam Á, theo các sứ giả thương mại, cần tiếp tục giữ vững và bảo đảm chất lượng gạo ổn định, bảo đảm không có các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, cũng cần quan tâm thúc đẩy xúc tiến các sản phẩm từ lúa gạo vì đây cũng là một phân khúc thị trường rất tiềm năng.

Đáng chú ý, theo ông Thành, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh. Do đó, ngoài việc XK các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao thì doanh nghiệp XK gạo còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.

Ngoài ra, ông Thành lưu ý, nhiều doanh nghiệp gạo của Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà NK gạo của Philippines, đã tạo được uy tín, lòng tin trong XK gạo với các bạn hàng Philippines. Tuy nhiên, vẫn cần chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác, bạn hàng, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia lại cho rằng, các doanh nghiệp XK gạo cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu, có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu và các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp XK cần luôn bảo đảm chất lượng gạo, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch; bảo đảm thời gian giao hàng đúng hạn cũng như thỏa thuận hợp đồng đã ký kết vì số lượng các thương nhân có giấy phép NK của Indonesia rất hạn chế.

Đọc thêm