Thách thức mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lần đầu tiên trong các quý I từ trước tới nay, số doanh nghiệp (DN) đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025 theo Chương trình nhằm phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ.

Hàng chục nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, quý I/2023, cả nước có gần 34 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số DN, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 446,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 10,6 nghìn DN tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2023 là 756,7 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23 nghìn DN quay trở lại hoạt động (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong ba tháng đầu năm 2023 lên gần 57 nghìn DN, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có gần 19 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tính chung quý I/2023, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42,9 nghìn DN, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1%; 4,6 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Điều đáng lo ngại là năm nay, lần đầu tiên trong các quý I từ trước tới nay, số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Những số liệu đã nêu cho thấy, đây là hiện tượng đi ngược xu hướng thời gian qua, nhất là khi ở quý I hàng năm số DN thành lập mới và tái hoạt động luôn cao hơn số DN rút khỏi thị trường.

Bài toán khó

Ngày 31/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP năm 2023 ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu DN, trong đó có 60 - 70 nghìn DN quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nghị quyết cùng đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP. Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hàng năm, khoảng 35 - 40% DN tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên “Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - nhận định: “Giai đoạn 2016 - 2021, cả nước mới có khoảng 786.000 DN, đóng góp gần 46% GDP mỗi năm. Như vậy, so với mục tiêu 1,5 triệu DN, đóng góp 55% GDP vào năm 2025 mà Nghị quyết 45/NQ- CP đặt ra thì hiện chúng ta còn cách khá xa”.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng thẳng thắn cho rằng mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025 là khó khăn. Trước đây chúng ta đặt mục tiêu 1 triệu DN đến năm 2020, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 800.000 DN. Đặc biệt, trong quý I năm nay, cả nước có 60.241 DN rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 56.946 DN được thành lập.

Tại Diễn đàn “Tái định vị DN để phát triển bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCC) tổ chức mới đây, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cũng thừa nhận: “Mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025 thực sự quá thách thức”. Chủ tịch VCCI tính toán: “Chúng ta chỉ còn năm 2024, 2025 thì mỗi năm cần bao nhiêu DN để đạt con số 1,5 triệu vào 2025? Đây là bài toán vô cùng khó cho các nhà quản lý, cho Chính phủ và chính quyền các cấp” - ông Công nói.

Phân tích về số liệu DN trong quý I/2023, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW - CIEM), TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng, thông thường, DN thành lập mới bao giờ cũng nhiều hơn DN tạm dừng đóng cửa khoảng 1,7 - 1,9 lần tùy từng giai đoạn. Tuy nhiên, trong quý I/2023 lại chứng minh điều ngược lại. “Đây là điều bất thường, điều này cho thấy rủi ro và thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN rất lớn”- bà Thảo nhận định.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến diễn biến trên, theo đại diện CIEM, có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, là các tác động bên ngoài, như xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu, hay nhu cầu tiêu cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm,... Thứ hai, đến từ nội lực của DN, hay các thể chế chính sách cũng đang có những bất cập dẫn tới sụt giảm niềm tin của DN, tình trạng rất nhiều DN phải tạm dừng hoạt động… “Đây là một trong những chỉ dấu có tính cảnh báo giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách phải có sự thận trọng hơn trong việc đưa ra chính sách, để chính sách đảm bảo thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, củng cố lại niềm tin cho DN” - bà Thảo nhấn mạnh.

Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 vừa được VCCI công bố cho thấy, tỷ lệ DN luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được sự thay đổi trong quy định của pháp luật cũng như trong việc thực thi pháp luật đang giảm dần. Nếu như năm 2013 tỷ lệ tương ứng là 14,29% và 8,18%, năm 2014 cao nhất là 15,75% và 8,27% thì năm 2021 chỉ còn 4,55% và 5,56%.

Đọc thêm